Cách sơ cứu khi bị chó cắn

Thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các trường hợp bị thương nặng do bị chó cắn, chủ yếu là trẻ nhỏ.

Cụ thể, chiều tối 15/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhi L.N.D (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng có nhiều đường rách lớn vùng hàm mặt, vết thương hở nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương, răng.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi Đ.Q.V. (18 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng có một đường rách lớn trên má phải. Các bác sỹ đã mất 3,5 tiếng đồng hồ, dùng tới 7m chỉ để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi này.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhi L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), được đưa đến bệnh viện ngày 10/6 trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ…

Đáng báo động, ngoài những tổn thương do bị chó cắn gây ra thì nguy cơ mắc bệnh dại, đe dọa đến tính mạng nạn nhân cũng rất cao. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu đối với người bị chó cắn có vai trò vô cùng quan trọng.

Vệ sinh vết cắn

Cách sơ cứu khi bị chó cắn sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết cắn. Nếu da bạn bị xước, hãy rửa vùng đó bằng nước ấm và xà phòng. Tuy nhiên, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra vết cắn

Sau khi vệ sinh sạch sẽ vết cắn xong thì lúc này bạn cần kiểm tra lại xem tình trạng vết cắn nặng nhẹ thế nào. Nếu chỉ là vết xước ngoài da hoặc vết thương nhỏ thì bạn có thể tự băng bó tại nhà.

Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp sau thì bạn cần phải đến bệnh viện để điều trị hiệu quả hơn:

- Vết cắn sâu trên 2cm.

- Vết cắn gần vùng đầu, cổ hoặc bộ phận sinh dục.

- Sau 15 phút mà vết cắn chảy máu không ngừng.

- Có quá nhiều vết cắn.

Lưu ý: Trước khi đưa bệnh nhân đến viện hãy đắp một miếng vải sạch lên vết thương và ấn nhẹ xuống để cầm máu.

Tất cả các vết thương do chó cắn, ngay cả những vết thương nhỏ, cũng cần được theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng cho đến khi chúng được chữa lành hoàn toàn.

Cần tiêm ngay vaccine phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

Vết cắn ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục.
Khi bị chó dại cắn, chó có biểu hiện dại hay địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo, nạn nhân cũng cần đi tiêm phòng dại ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu bạn là người đang mắc một trong những bệnh như tiểu đường, bệnh gan, ung thư, HIV thì cũng cần liên hệ với trung tâm y tế ngay để có hướng giải quyết kịp thời.

Không tiêm ngay mà phải theo dõi sau 15 ngày với các trường hợp sau:

Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.
Chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh.

Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích thì bạn nên nhanh chóng đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, không cần phải tiêm phòng dại nữa.

Xuân Thành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cach-so-cuu-khi-bi-cho-can-d127254.html