Cách siêu điệp viên Tiệp Khắc 'bất mãn' thâm nhập vào CIA

Trong lịch sử tình báo thế giới, có nhiều chuyện 'thật như đùa' khiến cả những người trong cuộc cũng không ngờ tới.

Trong số này có siêu điệp viên Tiệp Khắc Karel Koecher, ông được xem là đặc vụ “bất mãn” nhưng lại khá thành công trong hàng ngũ CIA.

Cựu siêu điệp viên Karel Koecher

Cựu siêu điệp viên Karel Koecher

Siêu điệp viên Karel Koecher là ai?

Đánh giá về điệp viên Koecher, tờ Người bảo vệ (Guardian) Anh mới đây đã đăng tải bài viết dài, nguyên văn How a Czech 'super-spy' infiltrated the CIA (tạm dịch: Làm thế nào 'siêu điệp viên người Séc' lại thâm nhập được vào CIA ?) .

Theo bài viết Karel Koecher, đặc vụ nước ngoài duy nhất được cho là đã đã chọc thủng phòng tuyến của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để tác nghiệp mà suốt hơn 2 thập kỷ không hề bị phát giác.

Theo Guardian, vào một buổi tối thứ sáu lạnh trời cuối năm 1986, cây cầu Glienicke bắc qua sông Havel, nối Tây Đức với thành phố Potsdam của Đông Đức đã trở thành địa điểm trao đổi tù nhân cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh.

Nhân vật được phía Liên Xô đón về chính là Karel Koecher, điệp viên người Tiệp Khắc được báo chí phương Tây ví như siêu điệp viên của thế kỷ XX. Người đã sống dưới một vỏ bọc ở Mỹ trong 21 năm bằng bí danh Rino, Turian hoặc Pedro kể từ khi đặt chân lên Mỹ mùa thu năm 1965.

Theo đại tá Alexander Sokolov, cấp trên của Koecher tại KGB, qua tài liệu được cơ quan tình báo của Tiệp Khắc StB lưu trữ, vợ Koecher, bà Hana Koecherova, mật danh Adrid là cặp bài trùng ăn ý, đóng vai trò liên lạc, chuyển các thông tin mật thay cho Koecher trong những năm cả hai người sống trên đất Mỹ với với vỏ bọc lưu vong phản đối chế độ XHCN.

Koecher cưới Hana Pardemecova, một cô gái 19 tuổi quyến rũ năm 1963. Vợ chồng nhà Koecher đã đến Mỹ vào năm 1965. Bà Hana làm nghề kinh doanh kim hoàn tại New York.. Tờ The New York Times dẫn lời Michael Reinitz, một người bạn thân của cặp đôi này “Họ nói muốn thoát khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tôi chưa từng nghe Koecher nói điều gì hay ho về Liên Xô cả”. Với vỏ bọc như vậy nên cặp vợ chồng người gốc Tiệp Khắc được hàng xóm, bạn bè ở Manhattan rất yêu mến, và không mảy may một điều nghi ngờ.

Vợ chồng nhà Koecher đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn ở Tiệp Khắc, mặc dù cha mẹ họ đều là những người có địa vị khá cao trong đảng Cộng sản.

Karel Koecher là một nhà viết hài kịch cho một đài phát thanh địa phương, chuyên về đề tài châm biếm, chế giễu tình hình chính trị ở đất nước mình. Điều đó làm các quan chức địa phương không hài lòng, thậm chí còn gán cho ông là bất mãn.

Karel Koecher sinh năm 1934 tại Bratislava, thủ đô của Slovakia ngày nay, mẫu thân là bà Irena, người Slovakia Do thái và cha ông là một người Séc sinh ra tại Vienna. Cả gia đình đã chuyển đến Prague khi Koecher 4 tuổi.

Koecher theo học vật lý và toán học tại Đại học Charles, đồng thời cả ngành điện ảnh tại Học viện biểu diễn nghệ thuật của Pra-ha . Sau khi tốt nghiệp, Koecher làm khá nhiều công việc: giáo viên trung học, phóng viên cho kênh truyền hình nhà nước, nhà viết kịch hài cho đài phát thanh.

Sau khi giành nhiều năm kiên trì thực hiện sứ mệnh một điệp viên nằm vùng, Koecher đã được CIA nhận làm việc. Tuy nhiên, khi mất niềm tin với người trung gian ở Pra-ha, ông phớt lờ StB và trực tiếp làm việc với KGB ở Moskva.

Sau hai thập niên hoạt động ở Mỹ, cuối cùng Koecher bị FBI phát hiện và bắt giữ. Tính đến tháng 2/1986 Koecher bị giam giữ tại Trung tâm cải tạo của thành phố New York trong 14 tháng để đợi ngày ra tòa.

Nói về cuộc trao đổi, sau này Koecher hồi tưởng lại, chính một luật sư người Đức tên Wolfgang Vogel từng tham gia vụ trao đổi tù nhân giữa phi công người Mỹ Francis Gary Powers và điệp viên Liên Xô Rudolf Ivanovich Abel năm 1962 là người đã giúp ông trở về chính quốc.

Karel Koecher thâm nhập vào CIA như thế nào?

Việc Karel không gặp rắc rối vì ông là một điệp viên hai mang với vỏ bọc được cả StB và KGB xây dựng rất công phu. Các chương trình phát thanh kêu gọi lật đổ chế độ của anh ta đã được StB "bật đèn xanh".

Sự bất mãn của Karel Koecher và lòng căm thù đối với đảng đã được duy trì trong nhiều năm. Bình phong dân sự của Karel được chuẩn bị khá hoàn khảo, khiến cả KGB cũng không chắc Karl thực sự đang làm việc cho ai.

Karel Koecher (ảnh chụp 1966) đang đứng trước Nhà Trắng

Sau nhiều biến động khi cuộc đời còn trẻ, Karel Koecher nhận ra rằng cơ quan tình báo Tiệp Khắc StB chính là “con thuyền” để đưa ông tới Mỹ.

Theo một người bạn của Koecher làm việc tại StB thì ông là một chàng trai lanh lợi, tài năng, đặc biệt là năng khiếu ngôn ngữ và nghệ thuật . Khi mối quan hệ với cơ quan an ninh đã nồng ấm, Koecher được đào tạo nghiệp vụ ở Pra-hatrong hai năm và đến đầu năm 1965, StB chính thức trao nhiệm vụ để ông đến Mỹ.

Chính xác là xâm nhập vào CIA, nhưng bản thân Karel lại không biết làm thế nào. Sau này StB mới tiết lộ, bằng kết quả đánh giá tâm lý học trước khi được trao nhiệm vụ, StB mô tả “Karel Koecher là con người được sinh ra để làm công việc này”.

Với kỹ năng ngôn ngữ tuyệt vời và danh nghĩa một người đào tẩu, Koecher nhanh chóng có được một công việc tại Đài châu Âu Tự do (cơ quan truyền thông do Quốc hội Mỹ tài trợ) và một năm học bổng tại Đại học Indiana.

Năm 1967, Koecher học tiếp học vị thạc sĩ triết học tại Đại học Columbia ở New York đồng thời học về Liên Xô.

Là điệp viên nằm vùng, Karel Koecher nhận được nhiều yêu cầu từ trung gian. Họ ngày càng tăng yêu cầu từ khi Koecher tiếp cận được với giới thượng lưu Mỹ.

Mặc dù không hào hứng làm việc với các cấp trên mới ở StB nhưng Koecher không rời bỏ cơ quan này hoặc ra đầu thú với chính quyền Mỹ. Thay vào đó, ông tiếp tục thuyết phục để được làm việc với CIA.

Điều thuận lợi hơn cho ông là vào năm 1971, ông đã trở thành công dân Mỹ. Một trong những giáo sư về ngành học Liên Xô của Koecher, Zbigniew Brzezinski (người sau đó trở thành cố vấn an ninh cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter) đã giới thiệu Koecher với CIA.

Tháng 11/1972, Koecher vượt vòng tuyển dụng đầu tiên của CIA và được tuyển làm nhà phân tích và phiên dịch. Với tư cách là một phiên dịch viên cho CIA, Koecher được tiếp cận với thư tín của nhân viên CIA tại Mỹ và ở nước ngoài.

Lúc đó, các quan chức hàng đầu Moskva đã vô cùng hào hứng trước thông tin về một người Tiệp Khắc đã cắm rễ được vào nơi mà hầu hết các điệp viên Liên Xô vô cùng vất vả mà vẫn chưa thể đặt chân vào.

Vợ chồng Koecher, ảnh chụp năm 1972.

Khi Koecher báo cáo về Pra-ha từ bên trong CIA thì Tiệp Khắc còn cân nhắc về cách họ sẽ dùng quân cờ của mình. Đến năm 1975, Koecher cảm thấy thất vọng về các yêu cầu của StB.

Koecher thậm chí gửi thư than phiền về StB với chính quyền ở Pra-ha Tiệp Khắc đã chuyển tiếp bức thư tới Moscow và cuối cùng nó được đặt trên bàn của Yuri Andropov, lãnh đạo tình báo Liên Xô.

Nhưng thay vì phê bình Koecher, Andropov còn gửi tặng 40.000 USD. Tuy nhiên, khi đến tay Koecher, số tiền chỉ còn lại một nửa.

Điều khiến nhà Koechers gây khó chịu cho cộng đồng tình báo là khả năng hoạt động rất tuyệt vời. Vợ chồng nhà nhà Koechers thu thập được nhiều thông tin không phải do công việc của Karel, mà là từ các cuộc vui và tiệc hoán đổi vợ với các quan chức ở New York và Washington.

Điều này không chỉ giúp họ có thêm thông tin mà còn khiến những người quen của họ do dự khi tiết lộ về họ, và CIA do dự không theo dõi, vì để lộ họ đồng nghĩa với việc phơi bày “văn hóa cơ quan” mà không ai muốn công khai. Cặp đôi này đã không bị bắt cho đến năm 1984, và cuối cùng, được trả về Tiệp Khắc dưới dạng trao đổi tù nhân.

Lộ tẩy và trở thành tù binh đặc biệt

Năm 1973, CIA đã tuyển Ogorodnik, một nhân viên ngoại giao Liên Xô làm việc tại Bogota, Colombia. Cũng từ việc này Karel Koecher đã bị cấp trên nghi ngờ.

Tháng 9/1976 Koecher bị triệu về Pra-ha. Cả KGB và StB đều nghi ngờ Koecher đã lung lay lập trường sau hơn một thập niên ở Mỹ. Ông đã bị thẩm vấn 7 ngày tại thị trấn Ctyrkoly, trong một ngôi nhà 3 tầng.

Người thẩm vấn ông là Oleg Kalugin, vị tướng KGB trẻ nhất trong lịch sử. Theo StB, ông Kalugin kết luận rằng không thể loại trừ khả năng ông Koecher đã nghiêng về phía CIA.

Sau này, ông Koecher thừa nhận từng có cân nhắc về điều này nhưng ông không bao giờ bị lung lay, ngả về phía Mỹ. Koecher được thả vào ngày 16/9/1976 còn StB yêu cầu ông phải rời CIA.

Theo tài liệu của StB, sau cuộc thẩm vấn 7 ngày năm 1976, ông Koecher nói rằng ông muốn được yên ổn và mua một căn nhà ở Áo.

Thời gian sau đó, ông Koecher tiếp tục thực hiện theo yêu cầu của Liên Xô, ngầm phá hoại các nỗ lực của Mỹ để tuyển dụng điệp viên ở Mỹ Latinh.

Koecher nghi ngờ rằng Kalugin là điệp viên hai mang , bí mật làm việc cho CIA và chính ông ta mới là người đóng vai trò trong cái chết của Ogorodnik. Koecher nói với KGB rằng Kalugin hy sinh Ogorodnik để nâng vai trò làm nguồn tin cho CIA.

Theo nhà sử học CIA Benjamin Fischer, KGB nghi ngờ Koecher bị Kalugin phản bội. Năm 1990, Kalugin đến Mỹ và hiện nay ông này sống tại Washington.

Trong suốt thời gian qua, Kalugin luôn khẳng định rằng ông không bao giờ phản bội bất cứ điệp viên Liên Xô nào. Nhưng sau đó, mọi chuyện ngã ngũ, Fila, điệp viên người Séc đã liên hệ với Koecher, chính là kẻ đã phản bội ông.

Koecher bị hai đặc vụ FBI áp giải tại New York ngày 27/11/1984

Về phần bà Hana, tuy không phải là một điệp viên nhưng bà đã giúp chồng đưa tin tức giấu trong các gói kẹo cao su hoặc thuốc lá. Mỗi lần giúp chồng cô sẽ nhận được thù lao 500 USD hoặc hơn.

Đây cũng là giai đoạn FBI nghi ngờ về theo dõi ô tô và nhà của cả hai vợ chồng Koecher. Vào 4 giờ 15 phút chiều ngày 27/11/1984, Koecher bị bắt vì tội làm gián điệp bên ngoài khách sạn Barbizon.

Ở trong tù, Koecher đã bị một bạn tù tìm cách sát hại bằng kéo. Lo sợ cho an toàn của bản thân, Koecher nhờ luật sư gửi thư đến Liên Xô, sau này bức thư nằm trên bàn của lãnh đạo KGB Kryuchkov.

Koecher đề xuất Liên Xô đổi ông lấy Natan Sharansky, một nhà chính trị Israel sinh ra tại Liên Xô. Chỉ trong một vài tuần, Koecher đã ngồi trong một chiếc Mercedes và tiến đến biên giới giữa Tây Đức và Đông Đức trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù binh trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Theo Guardian, hiện Koecher đang sống cuộc đời thầm lặng với người vợ yêu quý Hana tại một ngôi làng ở ngoại ô Pra-ha. Hàng ngày ông vẫn giữa thói quen tập thể dục ở khu rừng lân cận, còn bà Hana vẫn làm việc nhà.

Ở tuổi 81, Koecher có ngoại hình giống như hầu hết những người hưu trí khác, song điều đặc biệt là ông có thể qua mặt máy phát hiện nói dối, nói được 5 thứ tiếng, đã có thời gian dài trong thập niên 70 để đấu trí cả với hai cơ quan tình báo đầu xỏ nhất thế giới là KGB và CIA.

Karel Koecher cùng vợ đang sống tại nhà riêng ở ngoại ô Pra-ha

Khắc Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/ho-so/cach-sieu-diep-vien-tiep-khac-bat-man-tham-nhap-vao-cia-3426152/