Cách phòng tránh và thoát khỏi đối tượng 'ngáo đá'

Thời gian gần đây liên tục xảy ra án do các đối tượng 'ngáo đá' gây ra. Trong tình huống bị đối tượng 'ngáo đá' khống chế, chúng ta phải làm gì để để xử lý an toàn? Các chuyên gia tâm lý tội phạm khuyên hãy bình tĩnh, làm theo yêu cầu để xoa dịu đối tượng, sau đó tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế.

Khoảng 21g ngày 29-10, nghi phạm Lã Văn Tiếp (26 tuổi, ở xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) cãi nhau với mẹ là bà M.T.K (sinh năm 1958, trú cùng địa chỉ). Tiếp đã lấy then cài cửa đánh liên tiếp vào đầu mẹ của mình. Bị con trai đánh, bà K vừa kêu khóc vừa chống đỡ. Sau một hồi chống trả, người mẹ chạy thoát ra ngoài nhưng cũng là lúc bà kiệt sức, nằm gục xuống tử vong. Đến khoảng 10g ngày 30-10 lực lượng chức năng Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ được đối tượng Tiếp khi nghi phạm đang lẩn trốn tại huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).

Được biết, vì không có con nên vợ chồng bà K đã nhận nuôi dưỡng Tiếp từ nhỏ. Sau khi chồng mất, bà K sống cùng Tiếp. Người dân địa phương cho biết, Tiếp bị nghi ngờ có sử dụng ma túy. Theo lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn, khi gây án đối tượng Tiếp có biểu hiện như “ngáo đá”.

Tiếp đến, khoảng 14g ngày 2-11, tại địa bàn phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn) đã xảy ra vụ án mạng thương tâm, đối tượng gây án cũng có biểu hiện “ngáo đá”. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt, khống chế đối tượng đưa về trụ sở. Tại đây danh tính đối tượng được làm rõ là Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1987, trú tại số 5 ngõ 1 Trần Quang Khải, phường Chi Lăng). Khi bị khống chế, đối tượng vẫn còn trong trạng thái “ngáo ngơ”, những lời nói và cử chỉ bất thường. Kiểm tra nhanh, đối tượng Tuấn dương tính với ma túy tổng hợp Methamphetamine.

Đối tượng Hoàng Anh Tuấn tại cơ quan công an

Cơ quan điều tra xác định, đầu giờ chiều cùng ngày, đối tượng Tuấn từ chợ bờ sông đến khu vực bưu điện thuê xe ôm về nhà. Ông Đặng Văn Trưa (sinh năm 1958, trú tại thôn Trung Đạo, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên - hiện đang tạm trú tại đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, Lạng Sơn) được đối tượng Tuấn thuê chở về nhà. Khi về đến nhà, trong lúc ảo giác Tuấn cho rằng người lái xe ôm có hành động đe dọa, nên y đã dùng dao nhọn chém khiến ông Trưa tử vong ngay trong sân.

Cũng liên quan đến ngáo đá, trước đó, vào chiều 5-3-2018, cơ quan Công an quận Ba Đình đã tạm giữ hình sự đối với ca sĩ Châu Việt Cường để làm rõ vụ nữ sinh T.T.H (20 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tử vong bất thường sau khi sử dụng ma túy đá. Ca sĩ Châu Việt Cường khai nhận, có thể do ảo giác của ma túy nên chị H lấy tỏi đưa cho ca sĩ Châu Việt Cường rắc quanh phòng để trừ “ma”, rồi cùng nhai. Sau đó, Châu Việt Cường tiếp tục lấy thêm tỏi nhét vào miệng chị H, dù hai người còn lại đã căn ngăn. Do Cường nhét củ tỏi còn nguyên vào mồm nên H ngạt thở, tử vong.

Qua các vụ việc trên, các chuyên gia tâm lý tội phạm cảnh báo, một số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến loạn thần, mất kiểm soát hành vi, gây thương tích cho nhiều người, kể cả bố mẹ, người thân. Vì vậy, các gia đình có con em sử dụng ma túy tổng hợp cần có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.

Theo các chuyên gia tâm lý tội phạm, để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá”. Chúng ta có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản như: Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tiếp; uống nước nhiều; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo… Đặc biệt khi “ngáo đá”, đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hăng…

Phát hiện người thân trong gia đình bị “ngáo đá”, còn kiểm soát được hành vi thì người nhà cần phải trợ giúp, trấn an, cho đối tượng uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn thì phải sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; nhờ hàng xóm hoặc lực lượng chức năng khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm.

Khi đang đi gặp đối tượng bị “ngáo đá” có thể tránh sang hướng khác, nếu có trẻ em cùng đi cần phải lo an toàn cho trẻ em trước, vòng tránh xa. Tuyệt đối không hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần. Nếu đang ở nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị… gặp đối tượng “ngáo đá” thì cần di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa đối tượng.

Trường hợp bất ngờ bị đối tượng khống chế, không kịp chạy thoát, chống trả, cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng. Đồng thời, người bị khống chế phải bình tĩnh, không được la hét, gào khóc vì sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động, dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích. Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải nhẹ nhàng hỏi han xem đối tượng có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì.

Người thân phải thực sự bình tĩnh, thuyết phục, năn nỉ đối tượng “ngáo đá”, nếu nhận thấy đối tượng lơi lỏng, có thể giải thoát cho con em mình thì mới ra tay. Khi nhận thấy không an toàn tuyệt đối không có những hành vi manh động để tránh kích thích đối tượng.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cach-phong-tranh-va-thoat-khoi-doi-tuong-ngao-da-126736.html