Cách phòng ngừa nhạy cảm với ánh nắng mặt trời khi dùng thuốc kháng sinh

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời là tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bất lợi này thường ít người để ý…

1. Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời là gì?

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời là khi da phản ứng thái quá khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và dễ bị cháy nắng, bỏng nắng nặng… hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng da hiện có.

Có hai loại phản ứng thuốc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời:

- Dị ứng ánh sáng:Tia cực tím (UV) của mặt trời gây ra sự thay đổi cấu trúc của thuốc, dẫn đến việc sản xuất các kháng thể gây phát ban, thường xảy ra vài ngày sau khi tiếp xúc. Phát ban cũng có thể lan sang các bộ phận của cơ thể không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Độc tính với ánh sáng:Đây là loại phản ứng thuốc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời phổ biến nhất, xảy ra khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi dùng một số loại thuốc tiêm, uống hoặc bôi. Thuốc hấp thụ tia UV, sau đó giải phóng vào da, gây chết tế bào, khiến thuốc phản ứng tiêu cực với da trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Ở một số người nhiễm độc ánh sáng có thể gây ra tổn thương lâu dài cho các khu vực bị ảnh hưởng ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

Một số loại thuốc có thể được kích hoạt bởi tia UV trong ánh nắng mặt trời, dẫn đến phản ứng làm tổn thương da và trông giống như bị cháy nắng dữ dội hoặc phát ban.

Một số thuốc kháng sinh có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Một số thuốc kháng sinh có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Các loại thuốc gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng da hiện có, bao gồm chàm và mụn rộp, đồng thời có thể làm viêm mô sẹo.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm trầm trọng thêm hoặc thậm chí gây ra các rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus...

2. Một số thuốc kháng sinh có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Các loại thuốc kháng sinh đều có mục đích cơ bản là tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng các loại thuốc kháng sinh khác nhau có thể được sử dụng tùy thuộc vào bản chất chính xác của nhiễm trùng, và ảnh hưởng đến phản ứng của da bạn với ánh sáng có thể khác nhau.

Thuốc kháng sinh có thể gây ra phản ứng nhạy cảm với ánh sáng và độc tính với ánh sáng, nghĩa là chúng sẽ làm tình trạng cháy nắng trở nên tồi tệ hơn.

Một số kháng sinh gây ra các tình trạng này bao gồm:

- Bactrim (sulfamethoxozole trimethoprim) được kê đơn để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang…

- Kháng sinh tetracyclineđặc biệt là doxycycline gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Điều này thường xuất hiện dưới dạng vết cháy nắng bắt đầu nhanh hơn hoặc nghiêm trọng hơn bình thường. Trong một số ít trường hợp, việc phơi nắng trong khi dùng thuốc tetracycline có thể khiến móng tay hoặc móng chân bị tách ra khỏi nền móng.

Có một số bằng chứng cho thấy, liều lượng cao hơn làm tăng khả năng nhạy cảm với ánh sáng hơn. Các triệu chứng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời do doxycycline có thể hết trong khoảng 10 -14 ngày sau khi ngừng dùng thuốc.

- Nhóm quinolones, là một nhóm kháng sinh khác có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Thông thường, hầu hết mọi người đều bị cháy nắng nặng khi dùng quinolone và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời do quinolone thường kết thúc khoảng một tuần sau khi bạn ngừng dùng thuốc.

Các loại kháng sinh penicillin thông thường, như amoxicillin và amoxicillin/clavulanate không gây tác dụng phụ này.

Trong trường hợp bỏng nắng nặng do thuốc cần đi khám để được khắc phục kịp thời.

3. Có cách nào phòng ngừa nhạy cảm với ánh nắng mặt trời khi dùng thuốc kháng sinh?

Trước khi dùng thuốc người bệnh cần đọc kỹ thông tin về hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm sản phẩm, để hiểu xem thuốc mình đang dùng có thể gây những tác dụng phụ gì (hay nói cách khác là nắm được tác dụng phụ của thuốc) có thể xảy ra.

Đối với những thuốc gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời khi dùng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tránh xa giường tắm nắng.

Nếu phải ra ngoài, cần bôi kem chống nắng, mặc quần áo bảo hộ (áo dài tay, quần dai, đội mũ rộng vành) và đeo kính râm để bảo vệ đôi mắt.

Có thể sử dụng ô (để bảo vệ nhiều hơn) khi kết hợp với kem chống nắng và quần áo bảo hộ.

Trong trường hợp bị cháy nắng, cần biết cách điều trị như: Chườm mát và uống thêm nước để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Để tăng tốc độ chữa lành có thể dùng gel lô hội tại chỗ, có thể giúp giảm kích ứng.

Đi khám trong trường hợp có các triệu chứng bỏng nắng nặng với các triệu chứng như: Sốt, ớn lạnh, phồng rộp hoặc bong tróc da…

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phong-ngua-nhay-cam-voi-anh-nang-mat-troi-khi-dung-thuoc-khang-sinh-169230418120425617.htm