Cách phòng bệnh cho người cao tuổi khi trời lạnh

Càng nhiều tuổi, hệ miễn dịch của con người càng kém, đặc biệt là vào mùa đông thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Do vậy, cần có các biện pháp tích cực nằm bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi gặp thời tiết lạnh.

Không khí lạnh tác động không tốt với đường hô hấp, từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mạn tính ở người cao tuổi. Ngoài ra, môi trường ẩm thấp cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi. Chính vì vậy, trong những ngày lạnh, người cao tuổi cần lưu ý một số điều để bảo vệ sức khỏe.

Giữ ấm cơ thể

Việc giữ ấm cho cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Người cao tuổi phải thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày trời rét, cần tránh ra ngoài.

Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. (Ảnh minh họa)

Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. (Ảnh minh họa)

Người cao tuổi cần mặc ấm, đi giày tất, găng tay đầy đủ kể cả trong nhà lẫn đi ra ngoài trời. Cần duy trì nhiệt độ phòng ngủ thích hợp, ở mức trên 20 độ C. Về ban đêm phải có đèn ngủ, chiếu sáng cần thiết trong nhà. Chú ý sử dụng thiết bị điện an toàn.

Duy trì nếp sinh hoạt, nghỉ ngơi

Trong những ngày lạnh, người cao tuổi vẫn có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh nhất là lúc đang có gió mùa. Trong trường hợp, người cao tuổi tập luyện một số bộ môn như: đi bộ, xe đạp, bóng bàn, dưỡng sinh... thì nên khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập, duy trì thời lượng tập thích hợp.

Người cao tuổi cần có chế độ tập luyện thích hợp vào những ngày nhiệt độ xuống thấp. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, người cao tuổi cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế).

Đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày

Người cao tuổi nên ăn đúng bữa; tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa; nên ăn no vừa phải. Nếu ăn quá no, người cao tuổi có thể bị “stress tiêu hóa”, gây ra những hậu quả xấu.

Nếu người có bệnh tim mạch ăn quá no, làm máu dồn nhiều về dạ dày để tăng cường tiêu hóa thức ăn dẫn đến thiếu máu cục bộ ở cơ tim và não bộ làm phát sinh các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, gây mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, giảm độ tập trung chú ý, thậm chí gây đột quỵ nếu có tình trạng thiểu năng tuần hoàn trước đó.

Cần lưu ý về dinh dưỡng trong bữa ăn cho người cao tuổi khi trời lạnh. (Ảnh minh họa)

Chất lượng bữa ăn nên tăng cường nhiều đạm, đường như: thịt lợn nạc, gà, bò, tôm, cua, trứng, sữa… Đặc biệt lưu ý, người cao tuổi không nên ăn thức ăn như thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, xúc xích, bánh kẹo, bia rượu, nước ngọt.

Đối với người cao tuổi là nam giới, cần bỏ thuốc lá, thuốc lào

Người cao tuổi cần bỏ thuốc lá, thuốc lào, nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Bên cạnh đó, những người cao tuổi đã có tiền sử bệnh cao huyết áp, cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tổng hợp

Lan Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cach-phong-benh-cho-nguoi-cao-tuoi-khi-troi-lanh-547189.html