Cách phát hiện biến chứng bàn chân ở người mắc đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ đoạn chi dưới cao hơn bất kỳ ai khác. Nhiễm trùng chân là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh đái tháo đường.

Khi một vết thương dường như bình thường và không được điều trị, nó có thể trở thành nhiễm trùng nặng. Có khoảng 50 - 60% loét chân lành trong 20 tuần, trong khi đó trên 75% lành trong vòng một năm. Khoảng 65 - 85% vết loét không cần can thiệp phẫu thuật. Tỷ lệ cắt cụt chi dưới từ 10 - 20%. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường nên đi khám kiểm tra bàn chân thường xuyên.

Vì sao người bệnh đái tháo đường dễ bị các vấn đề về bàn chân?

Người bệnh đái tháo đường có mức đường trong máu tăng cao trong một thời gian dài dẫn đến tổn thương mạch máu và thần kinh. Vì vậy, bệnh đái tháo đường có thể gây ra hai biến chứng ảnh hưởng đến bàn chân:

- Bệnh lý thần kinh ngoại biên: đái tháo đường không được kiểm soát tốt làm tổn thương dây thần kinh. Nếu bị tổn thương thần kinh ở chân và bàn chân, có thể không cảm thấy nóng, lạnh hoặc đau. Sự giảm cảm giác này được gọi là "bệnh lý thần kinh cảm giác". Nếu không cảm thấy một vết cắt hoặc đau trên bàn chân vì bệnh thần kinh, vết cắt có thể nặng hơn và nhiễm trùng.

Các cơ của bàn chân không hoạt động đúng chức năng, bởi vì các dây thần kinh làm cho các cơ hoạt động bị tổn thương. Người ta ước tính rằng có tới 10% người mắc bệnh đái tháo đường sẽ bị loét chân. Loét chân xảy ra do tổn thương dây thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên.

- Bệnh mạch máu ngoại biên: bệnh đái tháo đường cũng ảnh hưởng đến dòng chảy của máu. Nếu không có lưu lượng máu tốt, sẽ kéo dài thời gian bị đau và lành vết thương. Lưu lượng máu kém ở tay và chân được gọi là "bệnh mạch máu ngoại biên".

Bệnh mạch máu ngoại biên là rối loạn tuần hoàn ảnh hưởng đến các mạch máu cách xa tim. Nếu bị nhiễm trùng sẽ không lành do lưu lượng máu kém, có nguy cơ bị loét hoặc hoại tử.

Một số vấn đề về bàn chân thường gặp với bệnh đái tháo đường

Bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề về bàn chân. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, những vấn đề về bàn chân dễ dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như cắt cụt.

Do đó. nên kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện bất kỳ tổn thương nhỏ nào và điều trị ngay lập tức tránh bị nhiễm trùng hay mất da làm tăng nguy cơ loét chân.

Những vấn đề về bàn chân có thể được ngăn ngừa?

Chăm sóc bàn chân thích hợp có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề thường gặp này hoặc điều trị chúng trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số hướng dẫn để chăm sóc bàn chân:

- Chăm sóc bản thân và kiểm soát tốt đường huyết. Làm theo lời khuyên của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về dinh dưỡng, tập thể dục và điều trị thuốc. Giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi được khuyến cáo bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

- Rửa chân mỗi ngày, sử dụng xà bông nhẹ. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng khuỷu tay của bạn, vì tổn thương thần kinh có thể ảnh hưởng đến cảm giác trong tay bạn. Đừng ngâm chân. Lau khô bàn chân, đặc biệt là giữa các kẽ ngón chân.

- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có vết loét, bóng nước, sưng đỏ da, vết chai, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác được liệt kê ở trên. Nếu có biến chứng mạch máu ngoại biên, lưu lượng máu kém, việc kiểm tra chân hàng ngày đặc biệt quan trọng.

- Nếu da chân bị khô, hãy giữ ẩm cho da bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi rửa và lau khô bàn chân. Không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân. Bác sĩ có thể tư vấn bạn loại kem dưỡng da nào nên sử dụng.

- Gọt vết chai bằng bọt biển. Làm sau khi tắm hoặc khi da bạn mềm.

- Kiểm tra móng chân mỗi tuần một lần. Cắt móng chân bằng dụng cụ cắt móng tay thẳng. Không làm tròn các góc móng chân hoặc cắt các cạnh của móng tay.

- Luôn mang giày hoặc giày hở mũi. Không đi chân đất, ngay cả quanh nhà.

- Luôn mang tất chân hoặc tất chân loại dài phù hợp với bàn chân, chọn loại tốt và có độ đàn hồi mềm mại.

- Mang giày phù hợp. Mua giày làm bằng vải hoặc da. Nên mua giày vào buổi chiều.

- Luôn kiểm tra bên trong giày để đảm bảo không có vật thể nào bị bỏ sót bên trong.

- Bảo vệ bàn chân của bạn khỏi bị nóng và lạnh. Mang giày ở bãi biển hoặc trên vỉa hè nóng. Mang tất vào ban đêm nếu chân bạn bị lạnh.

- Giữ lượng máu lưu thông đến chân. Đặt chân lên cao khi ngồi, vận động ngón chân và mắt cá chân nhiều lần trong ngày, không ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.

- Không hút thuốc. Hút thuốc lá có thể làm cho vấn đề lưu thông máu tồi tệ hơn.

- Hãy nói cho bác sĩ của bạn về bất kỳ sự thay đổi cảm giác nào như tê bì, châm chích ở chân.

- Nếu vấn đề bàn chân trở nên tồi tệ hơn hoặc không chữa lành, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

- Hãy chắc chắn rằng bác sĩ của bạn kiểm tra bàn chân của bạn trong mỗi lần thăm khám. Kiểm tra chân hàng năm nên được thực hiện bao gồm kiểm tra da, kiểm tra nhiệt độ bàn chân và đánh giá cảm giác đến bàn chân.

- Khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sau mỗi hai đến ba tháng để kiểm tra, ngay cả khi bạn không có bất kỳ vấn đề về chân nào.

Khi nào tôi nên liên hệ với bác sĩ nếu tôi bị đái tháo đường?

Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào sau đây:

- Thay đổi màu sắc da.

- Thay đổi nhiệt độ da.

- Sưng ở chân hoặc mắt cá chân.

- Đau ở chân.

- Vết loét trên bàn chân chậm lành hoặc đang chảy dịch.

- Móng chân mọc ngược hoặc móng chân bị nhiễm nấm.

- Nốt chai hoặc vết chai.

- Các vết nứt khô trên da, đặc biệt là quanh gót chân.

- Mùi chân bất thường và kéo dài.

Nguồn: VTV News

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/cach-phat-hien-bien-chung-ban-chan-o-nguoi-mac-dai-thao-duong-d396637.html