Cách phân biệt biển cấm dừng, cấm đỗ xe để không bị xử phạt

Cần biết cách phân biệt biển cấm dừng, cấm đỗ xe khi tham gia giao thông để tránh bị xử phạt.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm e khoản 3 điều 18 luật Giao thông đường bộ thì dừng xe là lúc xe dừng đỗ nhanh và giới hạn về thời gian. Người lái chỉ dừng trong thời gian ngắn rồi di chuyển đi ngay. Điều kiện của dừng xe là người điều khiển vẫn ngồi trên xe, xe vẫn nổ máy và có bật đèn cảnh báo. Tại một số nơi có đăng biển cấm đỗ xe thì người lái vẫn được dừng xe, nhưng chỉ được dừng trong một khoảng thời gian ngắn.

Đỗ xe là tình trạng xe đã ngừng hẳn không có giới hạn về thời gian. Nghĩa là, người lái có thể ngồi trên xe hoặc rời xe sau khi đã tắt máy. Tại các khu vực có biển báo cầm dừng đỗ xe thì tuyệt đối không được đỗ xe.

Để tránh dừng và đỗ xe nhầm nơi quy định thì các nên tìm hiểu rõ về các biển báo dừng đỗ để tránh trường hợp bị xử phạt hành chính về dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định.

Biển “cấm dừng xe và đỗ xe”. (Biển số P.130)

Biển “cấm dừng xe và đỗ xe”. (Biển số P.130)

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển báo cấm dừng và đỗ xe thuộc nhóm biển báo cấm số hiệu P. 130 là biển báo được đặt tại các địa điểm cấm các phương tiện xe cơ giới dừng và đỗ xe. Biển báo có hiệu lực với tất cả các phương tiện xe cơ giới dừng và đỗ xe tại điểm có đặt biển báo, trừ các phương tiện được ưu tiên theo quy định của nhà nước.

Hình dạng biến báo cấm dừng và đỗ xe: Có dạng hình tròn, nền màu xanh dương, viền biển báo được sơn màu đỏ. Biển báo cấm dừng và đỗ xe được chia thành 4 phần bởi 2 vạch kẻ chéo màu đỏ. Biển báo được làm từ vật liệu tôn mạ kẽm và có màn phản quang. Độ dày của biển báo được quy định là từ 1.2 mm đến 1.5 mm.

Biển "cấm đỗ xe". (Biển số P.131 (a, b, c))

Biển báo số hiệu P. 131a, đây là loại biển báo có dạng hình tròn với nền màu xanh dương, được viền đỏ và chia thành 2 phần bởi 1 đường kẻ góc trên phần bên trái đến góc dưới bên phải. Biển này có ý nghĩa là nghiêm cấm các phương tiện giao thông đỗ xe ở các đoạn đường có lắp đặt biển báo này, ngoại trừ phương tiện ưu tiên theo quy định nhà nước.

Biển báo cấm đỗ xe hiệu P.131b được thiết kế hình tròn nền xanh dương và có đường viền màu đỏ. Phần giữa biển báo này có 1 vạch kẻ dọc sơn màu trắng được chia ra thành hai phần với một đường kẻ từ góc trên bên trái xuống dưới bên phải. Đặc điểm của biến cấm đỗ xe P. 131b là cấm đỗ xe ngày lẻ của tháng, ngoại trừ phương tiện ưu tiên theo quy định của nhà nước. Bên dưới cột sẽ có bảng chú thích cấm đỗ xe ngày lẻ.

Biến cấm đỗ xe số hiệu P. 131c được thiết kế hình tròn có viền đỏ và nền màu xanh dương. Ở chính giữa biển báo có 2 vạch trắng được kẻ dọc xuống và được chia ra làm hai phần với 1 đường thẳng kẻ từ góc phía trên góc trái đến góc phía dưới bên phải. Ý nghĩa của biển báo P. 131c là nghiêm cấm tất cả các phương tiện giao thông đỗ xe tại con đường có lắp đặt biển báo này trong các ngày chẵn của tháng. Ngoại trừ các phương tiện được ưu tiên theo quy định của nhà nước. Bên dưới cột sẽ có bảng chú thích cấm đỗ xe ngày chẵn.

Dừng đỗ tại nơi có biển cấm dừng đỗ xe bị phạt như thế nào?

Theo đó, khi dừng, đỗ xe tại những nơi có biển báo “cấm dừng xe và đỗ xe” và biển báo “cấm đỗ xe” thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, dừng xe tại nơi có biển báo “cấm dừng và đỗ xe” bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô.

Đỗ xe nơi có biển "cấm đỗ xe" hoặc biển "cấm dừng xe và đỗ xe" bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô.

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cach-phan-biet-bien-cam-dung-cam-do-xe-de-khong-bi-xu-phat-a497057.html