Cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết với Covid-19

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. Do đó, người dân hết sức thận trọng.

Thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh thành trên cả nước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn khẩn số 293/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Số lượng ca sốt xuất huyết gia tăng giữa thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến khó lường là mối nguy cơ dịch chồng dịch, Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần có kiến thức để phân biệt dấu hiệu 2 bệnh này nhằm ứng phó và chăm sóc phù hợp.

1. Dấu hiệu nhận biết và phân biệt sốt xuất huyết với Covid-19

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 có các triệu chứng ban đầu giống nhau như: sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

- COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn.

- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue hoặc các virus khác như Ebola, Lassa, Marburg,... gây ra. Bệnh lây qua đường máu do muỗi truyền.

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh Covid-19

- Có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc với nguồn lây nhiễm Covid-19 như: đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19,...

- Có các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi (Ảnh: Internet)

Bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi (Ảnh: Internet)

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết sốt xuất huyết

PGS-TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da sung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ.

Cụ thể, sau từ 3-4 ngày kể từ khi có sốt, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ chuyển sang biểu hiện phát ban xuất huyết. Các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu xuất hiện ở ngoài da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ kèm theo đau bụng, nôn ói.

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết sốt xuất huyết là các nốt ban đỏ xuất hiện ngoài da (Ảnh Internet)

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong 7 ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Y tế khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ bệnh nhân có nguy cơ thiệt mạng.

2. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Dịch như sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như Covid-19 mà lây qua vector (vật trung gian là muỗi). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ muỗi xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt và có dấu hiệu bệnh thông báo ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

3. Cách phòng chống dịch bệnh COVID-19

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện đầy đủ 9 biện pháp sau để phòng chống COVID-19.

1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).

2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.

3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

7. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.

8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân.

9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.

Trang Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-phan-biet-benh-sot-xuat-huyet-voi-covid-19-41202027810357629.htm