Cách nhận biết và xử trí nhanh khi bị ngộ độc khí than

Khi trời trở lạnh, nhiều người có thói quen đốt than để sưởi ấm, chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đây là một việc làm hết sức nguy hiểm vì có thể xảy ra tình trạng ngộ độc khí than, thậm chí dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc khí CO

Ngộ độc khí than (khí CO) là tình trạng não bộ bị thiếu hụt oxy trầm trọng, khiến cho các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người bị tổn thương.

Càng ở trong phòng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm khí độc diễn ra rất nhanh. Chỉ vài giây sau khi bệnh nhân cảm thấy có điều gì đó bất thường cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần đi. Nếu không được phát hiện và xử lí kịp thời, nguy cơ tử vong ở những người bị ngộ độc khí than là rất cao.

Khởi đầu của tình trạng ngộ độc khí than là những triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu:

- Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi... Một số người có thấy da đỏ nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.

- Ở mức độ vừa, người bị ngộ độc khí than sẽ thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở nhẹ, mạch nhanh, thở gấp.

- Khi bị ngộ độc nặng, các triệu chứng sẽ cụ thể hơn đó là mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, bị co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường.

Xử trí khi bị ngộ độc khí CO

Khi phát hiện có người bị ngộ độc khí than thì cần nhanh chóng mở các cửa sổ, cửa chính. Đồng thời khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời. Vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong là khá cao.

Trong trường hợp bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở thì phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.

Nếu nạn nhân không còn tỉnh, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.

* Phòng tránh nguy cơ ngộ độc khí than

Để hạn chế tối đa nguy cơ bị ngạt khí CO, cần ghi nhớ những điều sau:

- Không đốt than, củi trong nhà khi đóng kín cửa

- Không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.

- Không sử dụng thiết bị đốt khí gas trong phòng kín, phòng ngủ.

- Không nổ máy xe máy, xe hơi ngay trong nhà hay trong gara.

- Không để máy phát điện, máy nổ trong nhà.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cach-nhan-biet-va-xu-tri-nhanh-khi-bi-ngo-doc-khi-than-224319.html