Cách nhận biết sản phẩm hữu cơ

Để nhận biết được đâu là thực phẩm hữu cơ an toàn cũng không phải dễ. Nếu chỉ phát hiện bằng mắt thường thì rất dễ nhầm lẫn.

Nói về thực phẩm hữu cơ đang trở thành một "hiện tượng" trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua, TS Nguyễn Bá Hùng - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cho biết, nếu bằng mắt thường thì không thể nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ thực sự, đâu là hữu cơ giả.

Bởi thực phẩm hữu cơ không chỉ dựa vào cảm quan bề ngoài của sản phẩm mà đó là cả một quy trình khép kín từ khâu lựa chọn nguyên liệu nguồn giống đến khâu bảo quan sản phẩm khi thu hoạch, đưa đến tay người tiêu dùng.

Nhận biết sản phẩm hữu cơ bằng mắt thường không đơn giản.

"Khái niệm sản phẩm hữu cơ rất rộng, bao gồm tất cả các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ được canh tác , nuôi trồng theo một quy trình hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ có thể chia thành các nhánh con như: Sản phẩm hữu cơ dành cho trẻ em, thực phẩm hữu cơ, hàng tiêu dung hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, rượu hữu cơ…" - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện Bộ KH&CN đã ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM...) và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.

Từ tiêu chuẩn của Bộ KH&CN đưa ra, có thể thấy sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo những yếu tố như: Nguồn nước sử dụng trong canh tác phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm; Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm; Cấm sử dụng phân người, phân ủ được làm từ rác thải đô thị;

Không được sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ; Nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các chất hóa học từ ruộng bên cạnh;

Sản phẩm được công nhận là hữu cơ phải theo quy trình khép kín, khắt khe.

Các loại cây trồng ngắn ngày được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn vẹn một vòng đời từ khi làm đất đến khi thu hoạch, sau khi thu hoạch có thể được bán như sản phẩm hữu cơ.

Còn theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho biết, muốn biết sản phẩm có phải là hữu cơ hay không thì phải xem các ký hiệu trên bao bì.

"Không thể phân biệt thực phẩm hữu cơ bằng mắt thường mà phải được chứng nhận tùy theo quy định của từng quốc gia, chẳng hạn như NOP (USDA của Mỹ, EU-Eco-regulation của Liên minh châu Âu, hoặc JAS Standard (của Nhật Bản)...

Do thực phẩm hữu cơ, ví dụ như các loại rau hữu cơ được trồng một cách tự nhiên, không dùng hóa chất tăng trưởng hay thuốc trừ sâu nên trông sẽ không mượt mà như các rau trái có sử dụng hóa chất, có khi còn có vết sâu cắn lá" - TS.BS Trần Thị Minh Hạnh nói.

Vân Loan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/cach-nhan-biet-san-pham-huu-co-3392345/