Cách nào 'trị' lạm thu trong năm học mới?

Thời điểm này, nhiều địa phương đã bắt đầu lên phương án thu – chi cho năm học mới 2018 - 2019. Theo Bộ GD&ĐT, vẫn còn địa phương để xảy ra tình trạng một số cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu ngoài quy định của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Bước vào năm học 2018 - 2019, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu trường học. Ảnh minh họa: Q.Anh

Quyết liệt chống lạm thu trường học

Năm học mới 2018-2019 chuẩn bị bắt đầu, dư âm về tình trạng lạm thu trong năm học vừa qua vẫn còn khi một số Hiệu trưởng trường công lập bị kiểm điểm, cách chức. Để xảy ra lạm thu tại một số địa phương trong thời gian qua, theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của nhà nước. Cụ thể, đã biến tướng một số hoạt động thu - chi để thu tiền học sinh, phụ huynh, thậm chí mượn danh nghĩa “tự nguyện” để thu ngoài quy định của nhà nước.

Để phòng, chống lạm thu tiền trường, mới đây tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019, công tác này được đặt lên hàng đầu khi bắt đầu bước vào năm học mới. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ: “Trong năm học mới 2018-2019 Bộ sẽ làm quyết liệt, chống lạm thu tại các trường học trên phạm vi cả nước. Bộ sẽ ban hành các văn bản cụ thể, quy định rõ hơn trong việc kêu gọi, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT), Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2018-2019. Trong đó, đã quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, không thu các khoản thu trái quy định để xảy ra tình trạng lạm thu và cam kết thực hiện ổn định giá dịch vụ đối với lĩnh vực giáo dục.

Một trong những vấn đề “nóng” của lạm thu đó là việc lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, Ban Đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Bộ GD&ĐT hiện đang lấy ý kiến, rà soát để bổ sung, sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT năm 2011 ban hành điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT năm 2012) đang lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi phù hợp với thực tế.

Linh hoạt hình thức kêu gọi xã hội hóa

Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay Bộ không cấm việc kêu gọi tài trợ hay xã hội hóa cho giáo dục. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc kêu gọi, vận động, quy trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ, xã hội hóa theo đúng quy định. Cơ sở giáo dục cần lập danh mục xã hội hóa, danh mục kêu gọi vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ phải thực hiện công khai minh bạch.

Cụ thể, cần thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động kêu gọi xã hội hóa, tài trợ trình Hội đồng trường phê duyệt và thông báo cho cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức vận động tài trợ. Trường hợp cơ quan quản lý cấp trên phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng việc vận động tài trợ.

Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ rõ ràng. Cơ sở giáo dục sử dụng tài trợ phải công khai nội dung báo cáo tài chính năm và công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.

Để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác xã hội hóa giáo dục, tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ra các văn bản quản lý về công tác xã hội hóa trong giáo dục, trong đó có nhiều quy định khiến các địa phương ngại không dám thu. Nhưng cũng có nơi lại thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục bằng cách chia đều cho các phụ huynh đóng góp, gây bức xúc trong phụ huynh. Do đó, để thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, một mặt không được thực hiện dưới hình thức “bổ đầu” mà mở ra cho toàn xã hội, đón nhận những tấm lòng của các cá nhân muốn đóng góp, tài trợ trong giáo dục”.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện việc xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, nhằm kêu gọi mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho ngành giáo dục.

Để phòng chống lạm thu tại các trường học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm. Đặc biệt, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện theo đúng quy định và ủng hộ nhưng không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/cach-nao-tri-lam-thu-trong-nam-hoc-moi-20180814081717414.htm