Cách nào ngăn chặn ngư dân đánh bắt trên vùng biển nước ngoài?

Tỉnh Cà Mau đang thực nghiện lắp đặt giám sát hành trình trên phương tiện đánh bắt xa bờ. Dự kiến, ngày 15-9, tỉnh sẽ triển khai lắp đặt. Đến tháng 12-2018, toàn bộ các phương tiện đánh bắt xa bờ sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

CHỦ PHƯƠNG TIỆN, THUYỀN TRƯỞNG TÌM CÁCH ĐỐI PHÓ

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 23-10-2017 đến nay, tỉnh có tổng số là 19 tàu cá/108 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài. Những tháng đầu năm 2018, tỉnh có 6 vụ bắt giữ 8 tàu cá, 48 ngư dân bị bắt giữ.

Tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, một cửa biển lớn có 1.418 tàu khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng được 126.054 tấn. Một cán bộ UBND thị trấn cho biết, những năm gần đây, ngư dân tự ý hợp tác và đưa phương tiện sang nước ngoài khai thác thủy sản trái phép bị bắt giữ diễn ra nhiều. Tháng 10-2017 đến nay, thị trấn có 15 tàu cá với 85 ngư phủ bị nước ngoài bắt giữ.

Ngư dân chuẩn bị chuyến ra khơi

Theo đánh giá của các địa phương vùng ven biển, sở dĩ xảy ra tỉnh trạng trên do ngư dân không chấp hành quy định của pháp luật. Mỗi chuyến ra khơi, địa phương đề chủ tàu, thuyền trường ký cam kết không khai thác trái phép vùng biển nước bản nhưng họ vẫn vi phạm.

Chủ tàu, thuyền trưởng khai thác trái phép không khai nhận, chỉ khi nào bị nước bạn bắt giữ mới cầu cứu chính quyền. Địa phương đưa ra nhiều quy định khắt khe thì chủ phương tiện tìm cách đối phó.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, thời gian qua, tỉnh xử lý rất nghiêm trường hợp khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước bạn. Ngoài việc tuyên truyền cho chủ phương tiện và ngư dân, tỉnh buộc chủ tàu ký cam kết không được khai thác vùng biển nước bạn, nhưng chủ phương tiện tiếp tục vi phạm vì lợi ích trước mắt.

Những phương tiện vi phạm bị phát hiện, ngoài bị phạt hành chính, bị tước chứng chỉ thuyền trưởng máy trưởng từ 3 đến 6 tháng. “Thậm chí, nhiều đơn vị đề nghị UBND tỉnh tăng mức phạt nghiêm khắc, phạt 100 triệu đồng, tước giấy phép vĩnh viễn tài công, máy trưởng và không cho phát triển tàu đối với chủ tàu vi phạm nhưng cách làm không hiệu quả.

Chủ tàu và ngư dân không ý thức thì hình phạt đưa ra không răn đe họ. Cái chính làm thế nào họ biết hành vi của họ vi phạm pháp luật và nhanh chóng điều chỉnh thì đó mới là căn cơ để giải quyết thực trạng trên”, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết.

ĐỀ XUẤT GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH KHAI THÁC

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị lắp máy giám sát hành trình trên tàu cá để kiểm soát, giám sát, xử lý kịp thời vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngày 6-7, UBND tỉnh Cà Mau đã ký kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn.

Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản; hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản...

Thị trấn Sông Đốc, một cửa biển lớn. Mỗi con nước gần 4.000-5.000 tàu neo đậu.

Thiếu tá Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Viettel Cà Mau cho biết: "Từ tình hình vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Viettel Cà Mau nghiên cứu thử nghiệm thiết bị giám sát tàu cá thành công. Viettel Cà Mau là một trong những đơn vị tham gia thử nghiệm lắp đặt thiết bị hệ thống quản lý tàu cá.

Chúng tôi gắn được 9 thiết bị cho 9 phương tiện và 1 phòng giám sát tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng. Qua những lần thử nghiệm, đến nay, thiết bị của chúng tôi đã hoàn chỉnh. Thiết bị của chúng tôi, giúp cơ quan nhà nước quản lý được hành trình đánh bắt thủy sản của từng tàu cá, xác định được vị trí, tốc độ của từng tàu cá trên biển. Cảnh báo cho các đơn vị chức năng, chủ tàu, thuyền trưởng vị trí đánh bắt của tàu, tình trạng sắp vượt hoặc vượt hải phận của Việt Nam để kịp thời điều hành, hỗ trợ, cảnh báo thuyền trưởng quay về hải phận hợp pháp. Giúp cơ quan chức năng điều hành, thông báo các tàu hỗ trợ nhau trên biển khi tàu gặp sự cố hoặc thông báo, kêu gọi tàu khi có thời tiết xấu...".

Giữa tháng 9-2018, Cà Mau sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định thành lập Tổ thẩm định lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau, do ông Trần Quốc Chính, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định: Yêu cầu các đơn vị tham gia cung cấp thiết bị giám sát tàu cá cung cấp tài liệu thuyết minh tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và kết quả thực hiện thí điểm của thiết bị, gửi Tổ trưởng Tổ thẩm định (Sở Thông tin và Truyền thông) chậm nhất trong tháng 7-2018 để tổ chức thẩm định; Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc đánh giá các yêu cầu tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị giám sát tàu cá của các đơn vị tham gia cung cấp hệ thống thiết bị quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Xây dựng Kế hoạch triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trình Uy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt...

Dự kiến ngày 15-9-2018, tỉnh Cà Mau sẽ lắp đặt thiết bị hành trình cho các tàu đã từng vi phạm trước. Đến tháng 12-2018, các phương tiện khai thác xa bờ toàn tỉnh sẽ được lắp đặt hết các thiết bị.

Đào Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/lam-the-nao-ngan-chan-ngu-dan-danh-bat-tren-vung-bien-nuoc-ngoai_59015.html