Cách nào ngăn chặn giáo viên thuê người tập huấn hộ, đánh giá đúng chất lượng?

Một khi giáo viên còn chưa nắm sâu, nắm kỹ, còn lúng túng về chương trình mới thì mọi thứ trước mắt chắc chắn sẽ còn rất nhiều những khó khăn.

Khác với những lần tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa trước đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai tập huấn trực tuyến trong nhiều tháng qua.

Việc tập huấn trực tuyến trong năm học này được xem là phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covod-19 và cũng là cách để giáo viên có thể chủ động về thời gian tự học tập, bồi dưỡng của mình.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế triển khai các phần mềm, cách tổ chức tập huấn và cách tự tập huấn của giáo viên thì chúng tôi đang thấy có những bất cập, hạn chế, chất lượng tập huấn chưa được như mong muốn.

Việc tập huấn trực tuyến vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Việc tập huấn trực tuyến vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Giáo viên mới tập huấn hết nội dung còn hiệu quả thì…

Đến nay, đa phần các địa phương đã triển khai cho giáo viên tập huấn đến module thứ 3 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nó đang thể hiện những bất cập nhất định.

Thứ nhất: khi lãnh đạo các Sở, Phòng Giáo dục triển khai tập huấn các module trực tuyến thì giáo viên gần như không được hướng dẫn điều gì. Chỉ cái email của cấp trên và tin nhắn nội bộ của nhà trường yêu cầu là giáo viên tự tập huấn.

Vì thế, giáo viên phải tự xem cách hướng dẫn được cài đặt sẵn trên phần mềm và mày mò đăng ký các module để học tập.

Giáo viên cốt cán chỉ giới thiệu sơ qua lại nội dung module ở buổi tập huấn trực tiếp khi mà giáo viên đã hoàn thành việc tập huấn trực tuyến. Còn giáo viên tự học, tự làm bài tập trước theo phân công của giáo viên cốt cán của từng cụm, từng địa bàn.

Chính vì vậy, giáo viên nào biết về tin học thì những module đầu tiên dễ dàng tiếp cận, giáo viên nào yếu tin học thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký học, kê khai thông tin cá nhân, tải các file bài tập lên phần mềm trực tuyến.

Thậm chí, một số giáo viên còn thuê người học, mượn người học thay cho mình.

Thứ hai: nội dung tập huấn có những phần chưa trọng tâm, quá dài và mỗi module được thiết kế thêm nhiều phần việc không thật sự cần thiết, đó là những bài khảo sát hoặc đánh giá, minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp.

Tài liệu mỗi nội dung trong module thì dài hàng chục, thậm chí lên đến gần cả trăm trang giấy A4 mà mỗi module thì lại có nhiều nội dung khác nhau nên rất khó để đọc sâu, đọc nghiên cứu…

Với cách thiết kế phần mềm trực tuyến như hiện nay, rất khó để giáo viên học tập chuyên sâu mà chỉ có thể xem qua video, lướt hết trang nội dung để được tích màu xanh (hoàn thành).

Thứ ba: thời điểm các địa phương triển khai tập huấn trực tuyến chưa được bố trí phù hợp, 2 module đầu tiên thì triển khai vào thời điểm cuối học kỳ I, modul 3 thì triển khai vào lúc gần kiểm tra học kỳ II nên giáo viên bị chi phối nhiều công việc cùng một lúc.

Nhiều khi giáo viên vừa phải chấm bài, vừa mở video hoặc tận dụng những giờ ra chơi thì mở điện thoại ra… “lướt” nội dung tập huấn cho hoàn thành tiến độ thời gian.

Thứ tư: thời gian tập huấn trực tiếp cho mỗi module quá ít, phần việc thì lại quá nhiều.

Một ngày tập huấn cho mỗi module thì nửa ngày giáo viên cốt cán giới thiệu sơ lược nội dung module, hướng dẫn làm bài tập nhóm. Nửa ngày còn lại các trường lên báo cáo bài tập nhóm của mình và đóng góp ý kiến cho nhau.

Bài tập nhóm thì cũng chỉ tập trung vào một vài người làm nhưng là sản phẩm chung cho cả 1 tổ chuyên môn. Vì thế, có giáo viên không tham gia làm bài tập nhưng điểm thì tính chung cho như nhau.

Nhưng, điểm số không quan trọng mà quan trọng là những giáo viên chưa tham gia làm bài tập- phần quan trọng nhất của mỗi module thì rất khó để nắm được những nội dung cơ bản của việc tập huấn.

Thứ năm: trong từng đơn vị vẫn có một bộ phận giáo viên chưa có sự chuẩn bị, tự học tập nghiêm túc. Một số thầy cô sẵn sàng bỏ ra một ít tiền để thuê người học thay mình hoặc mượn người khác làm thay công việc.

Chính vì những bất cập của việc triển khai, cách tự bồi dưỡng trực tuyến, tập huấn trực tiếp như hiện nay rất khó để tất cả giáo viên đi sâu vào nội dung tập huấn đang được Bộ triển khai.

Cần có những điều chỉnh việc tập huấn trong thời gian tới đây

Chúng tôi cho rằng việc tập huấn trực tuyến là rất cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay bởi nó giúp cho giáo viên chủ động việc học và có thể học đi, học lại khi cần thiết. Nhưng, bên cạnh những thầy cô học tập nghiêm túc thì vẫn có những người đang học hành đối phó.

Công tác kiểm tra việc tập huấn của giáo viên thì giao cho giáo viên cốt cán nhưng mới chỉ dừng lại ở tiến độ học tập chứ chưa đi sâu vào chất lượng.

Một khi giáo viên tập huấn mà chưa lĩnh hội hết được nội dung thì đương nhiên khi bắt tay vào công việc giảng dạy tới đây sẽ có một bộ số thầy cô giáo gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới đây thì bộ phận chuyên môn của các địa phương cần có kế hoạch dài hơi và thiết thực hơn.

Thứ nhất: cần khích lệ giáo viên tự học tập, bồi dưỡng những phần công việc đã được thiết kế trên phần mềm trực tuyến một cách trung thực, nghiêm túc. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ của các tổ, khối thì nội dung tập huấn phải được đem ra thảo luận, đóng góp, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn.

Muốn làm tốt việc này, các địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng, định hướng chuyên môn cho các tổ trưởng, khối trưởng để họ triển khai khi sinh hoạt chuyên môn.

Thứ hai: thay vì việc phân công cho một giáo viên cốt cán phụ trách môn học của cả huyện hoặc một cụm lớn thì nên phân công thêm các trưởng nhóm ở từng trường để họ có thể kiểm tra tiến độ, giám sát nội dung học tập của giáo viên trong trường của mình.

Một giáo viên cốt cán phụ trách trên dưới 100 người tập huấn như hiện nay đang thực sự quá tải và rất khó để giám sát về chất lượng bồi dưỡng.

Thứ ba: thời điểm nghỉ hè tới đây thì ngành giáo dục tăng cường thêm việc tập huấn trực tiếp nhằm giúp cho giáo viên các trường tương tác, học hỏi lẫn nhau. Các phần việc, các bài tập nên phân công cụ thể cho từng giáo viên sẽ hiệu quả hơn là phân công mỗi trường chuẩn bị 1 bài tập nhóm.

Việc phân công như hiện nay chỉ có một số thành viên tích cực làm việc, những giáo viên chưa tích cực thì tìm mọi lý do để thoái thác vì họ không làm cũng được hưởng thành quả chung của nhóm.

Thứ tư: công tác kiểm tra, giám sát cần cụ thể và sát sao hơn. Những bài tập tự luận nhỏ giống nhau từng câu chữ, từng dấy chấm, dấu phẩy phải được đặt ra câu hỏi về tính trung thực của người học.

Bên cạnh việc thay đổi cách tập huấn cho giáo viên thì việc quan trọng là các Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cần sâu sát hơn, giáo viên được khích lệ, tạo động lực thì việc học tập sẽ tốt hơn.

Nếu vẫn tập huấn như hiện nay, chúng tôi tin rằng sẽ còn những giáo viên thuê người học, còn những giáo viên chỉ học cho hết nội dung chứ chưa đầu tư chuyên sâu cho chuyên môn của mình.

Thành hay bại của chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải có một chương trình tốt, sách giáo khoa tốt, nội dung tập huấn phù hợp và công tác tuyên truyền, khích lệ, động viên tốt.

Nhưng, quan trọng hơn cả là những thầy cô giáo phải chủ động lĩnh hội được nội dung của chương trình, thành thạo được những thay đổi về phương pháp, cách đánh giá phẩm chất, năng lực của học trò.

Một khi giáo viên còn chưa nắm sâu, nắm kỹ, còn lúng túng về chương trình mới thì mọi thứ trước mắt chắc chắn sẽ còn rất nhiều những khó khăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cach-nao-ngan-chan-giao-vien-thue-nguoi-tap-huan-ho-danh-gia-dung-chat-luong-post217448.gd