Cách nào giảm tải cấp cứu cho các bệnh viện tuyến cuối?

Nhắc lại ca tử vong tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tuyến cuối cấp cứu quá đông, nhân viên y tế làm việc rất nhiều nên rất cần có biện pháp giảm tải.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải

Bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, một số bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 thường phàn nàn khi xe cấp cứu 115 (cấp cứu ngoại viện) đưa bệnh nhân đến vì họ đã quá tải. Thế nhưng, người bệnh thường yêu cầu xe cấp cứu 115 phải đưa họ vào các bệnh viện lớn mới an tâm dù có những dạng bệnh mà các bệnh viện quận huyện vẫn dư sức làm được.

Nhân viên cấp cứu ngoại viện cũng tư vấn cho người bệnh về điều này. Đồng thời, khuyến cáo người bệnh khi vào các bệnh viện quá tải thường sẽ phải chờ đợi lâu, khiến ảnh hưởng thêm đến sức khỏe nhưng người bệnh vẫn thích vào các bệnh viện lớn.

Chính sự quá tải và áp lực này đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc như ca tử vong sau 4 giờ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện mỗi ngày đơn vị có tới 3 ca trực cấp cứu, mỗi ca trực có khoảng 10 - 11 bác sĩ với lượng bệnh nhân cấp cứu lên đến trên 400 người/ngày. Là đặc thù bệnh viện tuyến cuối nên không thể từ chối hoặc lựa chọn bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy phải tiếp nhận tất cả các ca bệnh chuyển về đây. Số lượt cấp cứu tăng dần từng năm, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy phải tiếp nhận khoảng 35.000 lượt/quý. Trong đó số bệnh nhân chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên thường chiếm trên 50%.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, khoa cấp cứu luôn quá tải, gần như vượt quá 100% công suất vào các ngày lễ. Đặc biệt có thời điểm công suất mổ cấp cứu của bệnh viện là 150 ca/ngày, nhiều ca phải nằm chờ nhiều giờ không thể lên được phòng mổ vì quá tải.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, những năm 2016 – 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM để giải quyết tình trạng này. Sau đó, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn nhân viên cấp cứu 115 phân loại bệnh, bệnh nào thì nên đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

PGS Tăng Chí Thượng khẳng định, thời gian tới sẽ chỉ đạo các xe cấp cứu 115 không chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy vì nơi đây đã quá tải.

Sắp tới, Sở Y tế TP.HCM đưa vào sử dụng hệ thống điều hành thông minh (trong mô hình đô thị thông minh của TP.HCM) để kết nối với các phòng cấp cứu ở các bệnh viện. Mạng lưới kết nối này sẽ tránh được tình trạng đưa nhiều bệnh nhân vào khoa Cấp cứu khi bệnh viện đó đang quá tải.

Hệ thống phần mềm sẽ thống kê được tình trạng các phòng cấp cứu, số máy thở tại bệnh viện, tình trạng giao thông trên đường chuyển bệnh... để hướng dẫn bác sĩ đang đưa bệnh nhân đi cấp cứu vào cơ sở y tế thích hợp.

Nhằm giảm những sự cố đáng tiếc trong cấp cứu, vào tháng 5/2019, Sở Y tế TPHCM đã ban hành danh mục "Triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố". Danh mục này khuyến cáo các cơ sở y tế phải tuân thủ 15 điểm nhằm nâng cao năng lực cấp cứu bệnh nhân.

An Nhiên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cach-nao-giam-tai-cap-cuu-cho-cac-benh-vien-tuyen-cuoi-post307030.info