Cách nào để học sinh đảo Phú Quý không phải 'vượt sóng' thi tốt nghiệp

Sáng 3/8, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận ông Phan Đoàn Thái cho biết, gần 200 học sinh phải vào đất liền dự thi là vì đảo Phú Quý cách đất liền rất xa (58 hải lý). Nếu mưa bão, tàu cấm ra biển, thí sinh ở đảo không có đề thi.

Học sinh đảo Phú Quý vào đất liền, được tình nguyện viên phát nước rửa tay sát khuẩn.

Học sinh đảo Phú Quý vào đất liền, được tình nguyện viên phát nước rửa tay sát khuẩn.

Được biết, chiều 2/8, gần 200 thí sinh Trường THPT Ngô Quyền ở huyện đảo Phú Quý đã vào đến đất liền, chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Một số thí sinh bị say sóng. Đây là địa phương duy nhất trên cả nước phải đưa các thí sinh từ đảo vào đất liền dự thi.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao các địa phương có đảo ở xa đất liền như: Bà Rịa - Vũng Tàu; Quảng Ngãi... đều tổ chức thi tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, riêng Bình Thuận lại đưa học sinh vào đất liền dự thi?

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Đoàn Thái nói, quy chế thi quy định, đề thi phải giao về các điểm thi sớm nhất là 1 ngày trước kỳ thi diễn ra trong khi địa hình của tỉnh Bình Thuận kéo dài 250km.

Từ trung tâm TP đến điểm thi xa nhất 140km. Riêng đảo Phú Quý cách đất liền 58 Hải Lý, đi tàu hết 3,5 – 4 giờ. Vì thế, nếu như một số địa phương giao đề theo buổi thi ở Bình Thuận, đề thi được giao về các điểm thi từ ngày 8/8, trước kỳ thi 1 ngày.

“Nếu không chọn phương án an toàn, cho thí sinh vào đất liền từ sớm, đến ngày 8/8, thời tiết mưa, gió, có bão tàu cấm không được ra biển, thí sinh sẽ không có đề để thi. Như vậy, sẽ rất thiệt thòi trong xét tuyển ĐH cho thí sinh”, ông nói.

Cũng theo ông Thái, Bộ GD&ĐT đặt ra tiêu chí hàng đầu là phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Do đó, địa phương phải tính toán phương án an toàn nhất.

Trước đó, Sở cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Phú Quý, phương án được sự đồng tình của lãnh đạo huyện, giáo viên cũng như phụ huynh, thí sinh. “Nếu so sánh học sinh ở đảo Phú Quý phải vào đất liền thi với học sinh các đảo ở địa phương khác được thi tại chỗ là không đúng vì phụ thuộc điều kiện thực tế địa lý, thời tiết khác nhau. Ví dụ, khoảng cách từ đất liền ra đảo Lý Sơn (Quãng Ngãi) chỉ 15 hải lý, còn đất liền ra đảo Phú Quý 58 hải lý”, ông Thái nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cũng thông tin thêm, để đưa học sinh vào đất liền thi, địa phương đã có phương án đảm bảo an toàn cũng như sức khỏe cho các em.

Theo đó, những em say sóng được đưa vào trước, cách kỳ thi từ 7 đến 10 ngày để các em có thời gian nghỉ ngơi; những thí sinh không say sóng vào sau, cách kỳ thi 5 đến 6 ngày. Đoàn đi có sự hỗ trợ của 1 bác sĩ, 1 y tá và 5 thầy cô phụ trách học sinh. Học sinh đến bến tàu có xe chờ sẵn đưa đến ký túc xá Trường Chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết) nghỉ ngơi.

Ở đó, có đầy đủ điều kiện sinh hoạt cần thiết cho các em như: giường ngủ, bàn học, nhà ăn… Học sinh vào đất liền được hỗ trợ giảm 50% giá vé tàu, những em khó khăn được hỗ trợ 1,5 đến 2 triệu đồng tiền sinh hoạt phí.

Kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện có dịch COVID-19, do đó, Sở Y tế sẽ đến kiểm tra các biện pháp phòng bệnh; an toàn thực phẩm. Học sinh được nhắc nhở đeo khẩu trang, chuẩn bị sẵn khẩu trang trong những ngày thi.

Trong khi đó, báo Infonet đưa tin: Cũng là học sinh ở huyện đảo nhưng nhiều năm nay học sinh ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được thi ngay quê nhà mà không cần phải vượt sóng, vượt gió vào đất liền.

Chia sẻ về công tác tổ chức kỳ thi ngoài huyện đảo, ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đề thi cho học sinh ở huyện đảo luôn được niêm phong cẩn mật, vận chuyển đến cảng Sa Kỳ để chuyển ra Lý Sơn, sớm hơn một ngày so với kế hoạch.

“Toàn bộ đề thi được bao bọc bằng túi nilon cẩn thận, đóng kín trong các thùng sắt, đề phòng nước biển xâm nhập, gây hư hại. Lực lượng công an sẽ đi theo tàu cao tốc, áp tải đề thi ra tận điểm thi tại Trường Trung học phổ thông Lý Sơn (cách đất liền hơn 15 hải lý). Ngoài ra, Sở cũng thuê một chuyến tàu cao tốc riêng để chuyên chở cán bộ, giám thị coi thi ra đảo sớm hơn một ngày”, ông Phu cho hay.

Có thể nói, việc đưa 200 thí sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền để chuẩn bị thi tốt nghiệp diễn ra trong sự lo lắng của hàng trăm phụ huynh trước tình hình dịch bệnh với nhiều diễn biến phức tạp.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quan điểm: “Hiện nay với thời đại công nghệ 4.0 có nhiều cách chuyển đề thi qua mạng với các giải pháp bảo mật nghiêm ngặt. Từ năm sau, Sở GD&ĐT Bình Thuận nên cân nhắc phương án để các em học sinh thi tại huyện đảo, di chuyển vừa tốn kém lại tiềm ẩn nguy hiểm”.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/cach-nao-de-hoc-sinh-dao-phu-quy-khong-phai-vuot-song-thi-tot-nghiep-1698799.tpo