Cách nào để hạn chế nạn xâm hại trẻ em

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có chiều hướng gia tăng và hết sức phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng trên 8.700 trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức như xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt... trong giai đoạn từ 2015-2019 được nêu lên trong Báo cáo kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em' là thông tin rất đáng buồn.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường; công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại.

Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại

Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại

Luận ra, các quy định về bảo vệ các em khỏi bị xâm phạm tình dục của Việt Nam tương đối đầy đủ. Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em – mà nước ta tham gia rất sớm, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Hình sự đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em. Các tòa án ở địa phương cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình. Nhưng tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em vẫn không giảm, mà càng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại. Những ấn phẩm đồi trụy, internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất khiêu dâm… cùng các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội đã tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận lớp trẻ. Ngoài ra, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn chưa được như các nước khác trên thế giới. Do đó, bên cạnh việc pháp luật xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội thì việc phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục là việc phải được đặt ra như một giải pháp cấp bách trước khi để xảy ra những vụ án đau lòng.

Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cach-nao-de-han-che-nan-xam-hai-tre-em-195184.html