Cách mạng Tháng Tám trong tâm trí 'người cộng sản tí hon'

Trong căn phòng nhỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), ông Tạ Quốc Bảo, 93 tuổi, người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trong những năm tháng tham gia Cách mạng Tháng Tám hào hứng kể cho chúng tôi nghe về thời gian bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười…

Những trận “mưa” đòn tra tấn của quân thù đã khiến người cựu tù chính trị này chết đi sống lại 2 lần nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất chống quân thù, chiến sĩ cách mạng được mệnh danh là “Nhạ con” ngày nào giờ dù tuổi cao nhưng dáng vóc vẫn rất nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng mỗi khi kể về những tháng ngày hoạt động cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò.

“Tôi chỉ là hạt cát giữa biển cả”

Với 70 năm tuổi Đảng, đã có nhiều cống hiến cho cách mạng nhưng cựu tù chính trị Tạ Quốc Bảo luôn nghĩ mình chỉ là “hạt cát giữa biển cả”. “Hạt cát” tuy nhỏ bé đó đã làm được những điều vô cùng lớn lao, góp phần cùng toàn dân tộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tạ Quốc Bảo sinh ra trong một gia đình có ông ngoại là nhà nho yêu nước ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Bố mẹ ông tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và đã qua đời sau những trận đòn tra tấn của thực dân Pháp. Sống trong môi trường cả gia đình đều hoạt động cách mạng từ nhỏ nên từ khi còn là một thiếu niên, ông đã tham gia vào phong trào yêu nước, đi rải truyền đơn kêu gọi người dân đấu tranh chống áp bức, giành chính quyền.

Mọi hoạt động của thiếu niên Tạ Quốc Bảo và những người dân yêu nước không qua mặt được thực dân Pháp. Chúng theo dõi, lùng sục khắp nơi và bắt được cậu bé lúc đó mới 15 tuổi khi đang đi rải truyền đơn và đưa vào giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1943-1945.

Quãng thời gian bị giam cầm ở nơi “địa ngục trần gian này”, Tạ Quốc Bảo là người nhỏ tuổi nhất nhưng rất gan dạ, kiên cường chịu đựng mọi hình thức tra tấn tàn bạo của quân thù nên bọn cai ngục đặt cho chiến sĩ này biệt danh “Nhạ con”, “người cộng sản tí hon”.

Quân địch áp dụng mọi hình thức tra tấn như đánh đập, dí điện, thường xuyên bắt ăn cơm nấu từ gạo mốc, cháy, mắm tép bốc mùi hôi thối… hòng đè bẹp ý chí chiến đấu nhưng “Nhạ con” vẫn không nản trí.

Hình thức tra tấn của thực dân Pháp với các tù chính trị là cho ăn thực phẩm bẩn. Vì thế hầu hết các tù nhân đều bị bệnh đường tiêu hóa. Không có thuốc chữa trị, lúc đó “Nhạ con” và nhiều tù chính trị nghĩ ra cách là ăn quả bàng để chữa bệnh. Những quả bàng chín vàng rụng dưới sân nhà tù như một vị thuốc “thần dược” cứu “Nhạ con” và nhiều chiến sĩ cách mạng vượt qua những cơn đau bụng vì viêm đại tràng, tiêu chảy.

 Cây bàng - nơi đặt hòm thư mật và trao đổi thông tin, tài liệu tuyên truyền cách mạng trong tù.

Cây bàng - nơi đặt hòm thư mật và trao đổi thông tin, tài liệu tuyên truyền cách mạng trong tù.

“Cây bàng được trồng từ khoảng trước năm 1930, đã giúp chúng tôi thoát khỏi căn bệnh quái ác mà quân địch cố tình gây ra. Hơn nữa, cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò còn chứng kiến các cuộc đấu tranh sinh tử với quân thù của các chiến sĩ cộng sản. Dưới tán lá bàng xanh mát là địa điểm các chiến sĩ tập trung trò chuyện, học tập và truyền cho nhau những kinh nghiệm đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù; gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật và trao đổi thông tin, tài liệu tuyên truyền cách mạng trong tù. Trải qua hơn một thế kỷ, cây bàng vẫn tồn tại, tươi tốt như một minh chứng sống động và chân thực cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các cựu tù chính trị”, đồng chí Tạ Quốc Bảo cho biết.

Nhà tù trở thành trường học cách mạng, nền xi măng làm bảng, vôi tường làm phấn, Tạ Quốc Bảo cùng các chiến sĩ đã âm thầm xây dựng cơ sở trong lòng địch và chiến đấu đến ngày Cách mạng Tháng 8 thành công.

Sau khi thoát khỏi cảnh ngục tù, chiến sĩ Tạ Quốc Bảo về quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh) và làm việc trong Ủy ban Cách mạng lâm thời của tỉnh. Khi huyện Thuận Thành bị địch tạm chiếm, ông được cử làm cán bộ để xây dựng cơ sở cách mạng. Những năm tháng được tôi luyện và giác ngộ cách mạng ở Nhà tù Hỏa Lò đã giúp người chiến sĩ cộng sản này hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 9 năm ở vùng địch hậu.

Hòa bình lập lại, ông làm Chánh văn phòng Liên khu Việt Bắc. Năm 1968, ông được cử về làm việc tại Vụ Tổ chức (Bộ Nội vụ). Cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, Cách mạng, chiến sĩ Tạ Quốc Bảo đã được tặng Huân chương Độc lập và nhiều loại huân, huy chương khác.

Ngân nga câu hát“Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung/Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới/Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…” để nhớ về ngày Cách mạng Tháng 8 năm xưa, những cống hiến của chiến sĩ, cựu tù chính trị Tạ Quốc Bảo và những đồng đội của ông là tấm gương sáng để thế hệ ngày nay phấn đấu, tiếp bước cha ông xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Cựu tù chính trị Tạ Quốc Bảo giới thiệu với tác giả những bức ảnh quý mà ông giữ gìn nhiều năm qua.

Giác ngộ cách mạng từ trong ngục tù

Cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, hình ảnh chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ lại hiện về trong tâm trí ông với những câu nói, tuyên ngôn đanh thép với kẻ thù trước khi ra pháp trường.

“Lúc 6 giờ kém 15 phút ngày 24-5-1944, cánh cửa phòng biệt giam ở Nhà tù Hỏa Lò bật mở, tiếng giày đinh lạo xạo ngoài sân. Một tốp lính Lê Dương mang theo súng, lưỡi lê xếp hàng trước cửa nhà giam. Tên cai ngục và giám thị bước vào mở cửa phòng giam. Tên giám thị hỏi: Có cần bịt mắt không? Chiến sĩ Hoàng Văn Thụ bình tĩnh đáp lại: Không cần! Đứng ở buồng giam bên cạnh nhìn ra, tôi thấy anh Hoàng Văn Thụ đi giữa hai hàng lưỡi lê của bọn thực dân. Anh dừng lại chào chúng tôi “Thôi các ông ở lại mạnh khỏe nhé! Tôi đi”. Đến cửa buồng giam có mật thám, cố đạo, quan tòa đợi sẵn, chúng hỏi anh còn muốn nói gì nữa không. Anh đáp dõng dạc: Không có gì phải nói nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông-kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng chúng tôi sẽ chiến thắng. Tên cố đạo lại hỏi: Anh có muốn rửa tội không. Anh Hoàng Văn Thụ đáp: Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không. Sau đó bọn chúng dẫn anh đi. Đứng giữa pháp trường, chiến sĩ Hoàng Văn Thụ hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, đồng chí Tạ Quốc Bảo nhớ lại.

Quãng thời gian bị giam cầm, tra tấn cùng các cựu tù chính trị, đặc biệt là được giác ngộ cách mạng, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ yêu nước Hoàng Văn Thụ là hành trang để cựu tù chính trị Tạ Quốc Bảo kiên cường vượt qua những trận đòn tra tấn tàn bạo của thực dân Pháp. Cảm phục tấm gương của những đồng đội trong thời gian bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò, chiến sĩ cách mạng Tạ Quốc Bảo gửi tình cảm của mình vào những vần thơ “Gương sáng Hoàng Văn Thụ/Khí phách Nguyễn Văn Cừ/Biết bao đồng chí khác/Soi sáng mãi ngàn thu”.

Bài và ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/cach-mang-thang-tam-trong-tam-tri-nguoi-cong-san-ti-hon-546732