Cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng con đường cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi (7-11-1917 - 7-11-2020), nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp.

Lãnh tụ V. I. Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết ngày 7-11-1917 ở điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. Ảnh tư liệu

Nhưng một sự thật lịch sử không thể phủ nhận đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (1). Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn luôn là một minh chứng cho giá trị và sức sống bất diệt của nó, vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn bộ phong trào cách mạng thế giới nói chung, là ngọn lửa soi sáng cho con đường cách mạng và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam nói riêng.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, khi Nhân dân Nga đã tiến hành cuộc cách mạng vô sản thành công, thì Nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước ở Việt Nam lúc bấy giờ đều thất bại, không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng Nhân dân lao động. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang tìm kiếm bấy lâu nay. Về sau Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! đây là cái cần thiết của chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (2). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu CNXH, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại. Tháng 11-1926, trên tờ Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là quần chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin (3). Đi theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, cách mạng Việt Nam đã vượt qua được rất nhiều thác ghềnh, sự gian khổ hy sinh để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Từ ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ quát của Chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước đi lên CNXH; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội lần thứ VI năm 1986, Đảng đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Ðảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm lịch sử - cụ thể vừa tìm tòi, thử nghiệm vừa đấu tranh tư tưởng hết sức gay go, phức tạp: “Duy trì, phát huy những cái đúng, tích cực, hiệu quả và mạnh dạn xóa bỏ cái gì tỏ ra lạc hậu, lỗi thời cản trở sự phát triển nhằm thực hiện đường lối đổi mới phù hợp với điều kiện cách mạng nước ta để bảo đảm Việt Nam đi đúng định hướng XHCN theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra”. Thực tiễn đã chứng minh đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp. Đất nước ta đã có những biến chuyển hết sức lớn lao, làm thay đổi sâu sắc và toàn diện mọi mặt đời sống xã hội: “Chế độ chính trị - xã hội ổn định; kinh tế, văn hóa phát triển; quốc phòng - an ninh vững chắc; vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao”.

Có thể nói, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa trong quá trình đổi mới đất nước, hiện nay vị thế của nước ta được nâng lên trong khu vực và thế giới, điều đó đã minh chứng con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đây cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa, giá trị hiện thực và sức sống của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tinh thần Cách mạng Tháng Mười sẽ sống mãi với xã hội loài người nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Nó sẽ tiếp tục soi sáng con đường đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng xã hội mới - XHCN nghĩa trên toàn thế giới.

ThS. Đinh Thị Bình

(Trường Chính trị tỉnh)

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.280.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. t10, tr.127.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 1995, tập 2, tr.280.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/cach-mang-thang-muoi-nga-soi-sang-con-duong-cach-mang-viet-nam-nbsp-va-su-nghiep-doi-moi-o-nuoc-ta-hien-nay/126891.htm