Cách mạng quyền lực: Ông Putin vì nước Nga

Một xã hội ưu việt cho nước Nga trong tương lai mới là đích đến của cuộc cách mạng quyền lực mà ông Putin đang tiến hành tại xứ sở bạch dương...

Tổng thống Putin thực hiện cách mạng quyền lực vì người dân và đất nước?

Cuộc cải cách chính trị - mà được ví như một cuộc cách mạng quyền lực - do Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy đang gặp phải những phản ứng trái chiều trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Nga, theo Reuters.

Mặc dù trong Thông điệp Liên bang 2019, nhà lãnh đạo thứ hai của nước Nga thời hậu Xô Viết đã tuyên bố việc tiến hành một cuộc cải cách toàn diện hệ thống chính trị là vì tương lai nước Nga.

Hoặc tại cuộc họp đầu tiên với chính phủ của tân Thủ tướng Mikhail Mishustin, người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của tân chính phủ là tăng phúc lợi cho người dân và củng cố vị thế nhà nước Nga trên trường quốc tế”.

Biểu tình phản đối Putin cải cách Hiến pháp

Biểu tình phản đối Putin cải cách Hiến pháp

Hay trong cải cách Hiến pháp, Tổng thống Putin đã đề xuất Hiến pháp sửa đổi phải được trưng cầu dân ý, nghĩa là trao vận mệnh quốc gia vào tay người dân Nga. Vậy nhưng ông Putin vẫn bị hoài nghi là tìm cách củng cố quyền lực sau khi mãn nhiệm.

Ngày 19/1, hơn 1.000 người dân đã biểu tình tại Moscow để phản đối kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Putin, vì theo Ủy viên Hội đồng thành phố Moscow Yulia Galyamina thì ông Putin đang hủy hoại Hiến pháp, theo TASS.

Ngày 20/1, phe đối lập Nga còn tuyên bố có kế hoạch tổ chức một cuộc đại biểu tình nhằm chống lại cuộc cách mạng quyền lực của Tổng thống Putin, vì theo chính trị gia đối lập Ilya Yashin, sự thay đổi của Putin chỉ nhắm tới việc “nắm quyền trọn đời”.

Vậy Tổng thống Putin thực hiện cuộc cải cách chính trị sâu rộng là vì cuộc sống của người dân Nga và tương lai nước Nga, hay đây chỉ là bước đi đầy tính toán cho lợi ích của cá nhân ông mà thôi?

Theo giới phân tích, những hoài nghi về tính toán "nắm lực không quyền" của ông Putin không phải không có lý, nhưng thực ra vẫn chỉ là hoài nghi, song tính toán của ông vì người dân Nga, vì tương lai nước Nga thì rất rõ ràng, không phải hoài nghi.

Kết nối Thông điệp Liên bang 2020 với Thông điệp Liên bang 2018 sẽ thấy tính toán vì người dân, vì đất nước của ông Putin là rất thực tế, mà việc sửa đổi Hiến pháp chỉ nhằm đảm bảo cho sự thành công và giúp lưu giữ thành quả cho thế hệ mai sau.

Sau khi giúp nước Nga đạt những thành quả đáng tự hào trong thời cấm vận, dường như Tổng thống Putin nhận thấy điều kiện thời kỳ phát triển mới của đất nước đã chín muồi, nên ông bắt tay vào việc chuẩn bị đón vận hội mới cho đất nước.

Tổng thống Putin đã chính thức xác lập các điều kiện cho giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển thứ 3 của nước Nga thời hậu Xô Viết - bằng Thông điệp Liên bang năm 2018, với việc giới thiệu mô hình kinh tế 6 trong 1.

Nền kinh tế 6 trong 1 lấy chất lượng phục vụ người dân làm trọng tâm, là tựu trung-tập trung tất cả nền tảng và nguồn lực của Liên Xô trong quá khứ, của nước Nga hiện tại để định hình cho một nước Nga trong tương lai.

Trong bối cảnh nước Nga hiện nay, để phát triển được nền kinh tế 6 trong 1, thì điều kiện tiên quyết đặt ra với nhà nước Nga là phải “xóa trở lực, tạo động lực”. Và đây được xem là yêu cầu với Tổng thống Putin khi thực hiện cuộc cách mạng quyền lực.

Trong Thông điệp Liên bang 2018, Tổng thống Putin giới thiệu mô hình kinh tế 6 trong 1 cho nước Nga ưu việt trong tương lai

Tổng thống Putin quyết xây dựng xã hội ưu việt cho nước Nga trong giai đoạn phát triển thứ 3 thời hậu Xô Viết

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga đã xác định nâng cao chất lượng sống cho người dân Nga là trọng tâm trong việc tạo hình cho một nước Nga ưu việt trong tương lai.

Người đứng đầu Điện Kremlin nêu cách thức hiện thực hóa mục đích đó bằng việc phát triển 1 nền kinh tế phục vụ, trong đó nhà nước phải xây dựng chính sách hướng tới hoàn thành 6 tiêu chí quan trọng.

(1) Đảm bảo sự kế thừa, biến giá trị của lịch sử thành động lực, nguồn lực cho đất nước, (2) Đảm bảo sự ổn định xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế, (3) Hoàn thiện thể chế để đảm bảo bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội.

(4) Gia tăng phúc lợi xã hội để thực hiện tốt nhất quá trình tái phân phối thu nhập xã hội, (5) Tạo điều kiện để phát triển đồng đều giữa các vùng miền, (6) Hỗ trợ công cụ giúp người dân tự biến vận hội đất nước thành lợi ích cá nhân.

Rõ ràng, nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga đã ước vọng xây dựng một xã hội ưu việt - lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy phát triển nền kinh tế phục vụ 6 trong 1, đặc biệt là cân bằng thu nhập và nâng cao tái phân phối thu nhập.

Để hiện thực hóa ước vọng, bắt tay vào xây dựng nền kinh tế 6 trong 1, đưa nước Nga vào giai đoạn phát triển thứ 3 thời hậu Xô Viết, Tổng thống Putin đã có 3 bước đi mang tầm chiến lược.

Thứ nhất, ban hành Sắc lệnh tháng Năm của Tổng thống Liên bang Nga, được ông Putin công bố ngày 7/5/2018, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ chiến lược phát triển đến năm 2024.

Theo Sắc lệnh tháng Năm, đất nước Nga cần một bước đột phá, nhất là đột phá về kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là sử dụng đầy đủ và hiệu quả nguồn lực cơ bản nhất của một nền sản xuất, đó là lực lượng lao động.

Đây được xem như là cuộc cách mạng về kinh tế ở nước Nga thời Putin, mà mục đích là đảm bảo cho quan hệ sản xuất phát triển theo kịp lực lượng sản xuất, từ đó đảm bảo khai thác tốt nhất mọi nguồn lực của đất nước.

Thứ hai, thực hiện chương trình cải cách hưu trí, kéo dài độ tuổi lao động. Đây đã được xem là phương thức sử dụng đầy đủ và hiệu quả nhất nguồn lực lao động của nước Nga, mà bị cho là lãng phí trong một thời gian dài.

Tổng thống Putin cải cách chính trị là vì cuộc sống của người dân Nga và vì tương lai của nước Nga

Ngày 14/6/2018, Thủ tướng Dimitri Medvedev khi đó đã trình bày kế hoạch cải cách hưu trí và có hiệu lực từ năm 2019, theo đó, tuổi về hưu đối với nam giới ở Nga là từ 60 đến 65 tuổi, và với phụ nữ là 55 đến 63 tuổi.

Kéo dài tuổi lao động là cách tăng chất lượng sống thiết thực nhất, khi mỗi cá nhân có trách nhiệm đầu tiên nhất trong nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, từ đó nâng cao giá trị sức lao động, nâng cao thu nhập xã hội.

Chương trình cải cách hưu trí ở Nga được xem như cuộc cách mạng về lao động và thu nhập, và là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội mới tại xứ sở bạch dương, sau hơn 1/4 thế kỷ chế độ Xô Viết biến mất.

Thứ ba, thực hiện cuộc cải tổ sâu rộng về luật pháp, tạo sự thay đổi về nhà nước và luật pháp, đảm bảo cho thượng tầng kiến trúc có sự phát triển đồng điệu nhất với hạ tầng cơ sở.

Cuộc cải tổ về luật pháp của chính quyền Nga với trọng tâm là việc hủy bỏ nhiều văn bản luật và quy phạm pháp luật từ thời Liên Xô vẫn còn hiệu lực, nhưng đã trở thành rào cản đối với sự phát triển của đất nước.

Cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev từng được giao trọng trách là người đứng đầu bộ phận đánh giá và sàng lọc những văn bản pháp luật bị cho là lỗi thời, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, từ đó đề xuất hủy bỏ.

Theo RT, “một lượng khổng lồ các văn bản luật và dưới luật, khoảng 20.000 loại văn bản, vốn được ban hành từ năm 1917 đến năm 1991 tại Liên Xô và nước Nga thời Xô Viết, sẽ chính thức bị vô hiệu từ đầu năm 2020”.

Khi thực hiện cuộc cải tổ về luật pháp, không khó nhận diện Tổng thống Putin muốn đảm bảo cho nước Nga của ông là một cường quốc thực sự, chứ không chỉ là siêu cường quân sự. Bởi cường quốc thì luôn phải mạnh về luật pháp.

Tuy nhiên, thực hiện cuộc cải tổ về luật pháp vẫn dựa trên nền tảng là bản Hiến pháp với những định chế và cơ chế đã tồn tại và vận hành trong suốt thời gian qua là không thể đáp ứng được những tiền đề và tiêu chí của nền kinh tế 6 trong 1.

Do vậy, cuộc cải tổ về luật pháp đã bị hoãn lại, thay vào đó là Tổng thống Putin đề xuất một cuộc cải cách sâu rộng về chính trị, và quan trọng nhất là Hiến pháp phải được sửa đổi, để đảm bảo nước Nga có một nền tảng pháp lý phù hợp, ổn định.

Tổng thống Putin họp với tân chính phủ, thúc đẩy phá triển kinh tế đất nước

Khi nền tảng căn bản có thay đổi thì sẽ có các cơ chế, định chế được bổ sung, sửa đổi. Và đây được xem là nguyên nhân chính khiến ông Putin bị hoài nghi thực hiện cuộc cách mạng quyền lực chỉ vì bản thân chứ không phải vì người dân, đất nước.

Rõ ràng, với những gì đã và đang diễn ra, cho thấy Tổng thống Putin đã quyết đưa nước Nga vào giai đoạn phát triển thứ 3 thời hậu Xô Viết và ước vọng xây dựng một xã hội ưu việt cho nước Nga trong tương lai mới là đích đến của cuộc cách mạng quyền lực mà ông Putin đang tiến hành tại xứ sở bạch dương.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cach-mang-quyen-luc-ong-putin-vi-nuoc-nga-3395821/