Cách mạng công nghiệp 4.0 và tính cấp bách của Luật An ninh mạng

'Dự án Luật An ninh mạng có ý nghĩa quan trọng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực'.

Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm đã nhấn mạnh như vậy trong báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề của 21/24 đại biểu “hiến kế”, 7 ý kiến tranh luận về dự án Luật An ninh mạng tại Quốc hội sáng 23/11.

Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm

Bộ trưởng cho biết, tình hình an ninh trên không gian mạng trên thế giới, trong khu vực diễn biến rất phức tạp, nhất là các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng. Đặc biệt, nguy cơ chiến tranh mạng đã và đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam. Các thế lực trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng không gian mạng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta, uy hiếp tới sự an toàn của chế độ và nhà nước Việt Nam như cuộc sống bình yên của mọi người dân.

Theo Bộ trưởng, khi Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Qua đó, chúng ta có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet của Việt Nam; đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

“Dự án Luật An ninh mạng được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của nhân dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, qua thảo luận tại 19 tổ của Quốc hội ngày 13/11/2017 đã có tổng số 114 lượt ý kiến phát biểu. Trong phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 23/12 đã có 24 đại biểu đăng ký phát biểu, có 21 đại biểu phát biểu ý kiến và 7 ý kiến tranh luận tập trung vào một số nội dung về: Sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng; Bố cục, khái niệm, phạm vi của dự án luật; Tính thống nhất và tương thích của dự án Luật An ninh mạng với hệ thống pháp luật của Việt Nam và của quốc tế mà chúng ta có tham gia; Tính khả thi và các điều kiện để triển khai khi thực hiện dự án luật này, nhất là được Quốc hội thông qua, ban hành dự án luật.

“Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật An ninh mạng, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc với dự án luật. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết trách nhiệm cao để hoàn thiện dự án luật. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, các tổ chức liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án luật. Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 theo chương trình của Quốc hội. Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội” - Bộ trưởng cho biết.

Nguyễn Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tinh-cap-bach-cua-luat-an-ninh-mang-120676.html