Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến lao động nữ 'treo niêu'?

Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể sẽ khiến rất nhiều người lao động bị mất việc làm, trong đó lao động nữ tại Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nhưng ở khía cạnh khác, nó cũng mở ra rất nhiều cơ hội. Vậy, làm thế nào để thoát khỏi nguy cơ, nắm bắt cơ hội? Cuộc trò chuyện với Thạc sỹ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM sẽ phần nào đưa ra những lời giải đáp.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP HCM

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP HCM

Thưa ông, nhiều ngưi đang tỏ ra lo lắng trước những "mối nguy" mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể gây ra. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Là một người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường lao động, đúng là tôi cũng không khỏi lo lắng. Dự kiến sẽ có khoảng 800 triệu nhân công trên toàn thế giới mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu hiện nay. Những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng là lớn, mạnh, và toàn diện. Bởi bản chất của "cuộc cách mạng" này là đưa trí tuệ nhân tạo (AI – những cỗ máy thông minh) vào các dây chuyền sản xuất để thay thế cho con người. Khi điều đó xảy ra, chắc chắn sẽ có rất nhiều công nhân lao động đang trực tiếp đứng máy ngày hôm nay bị "lấy mất chỗ làm". Họ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp!

Đặc biệt là lao động nữ. Bởi có một thực tế đã tồn tại từ rất lâu, đó là các nhà máy thâm dụng lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử… sử dụng phần lớn lao động là nữ. Nhiều nhà máy có tới 80-90% là lao động nữ. Mà đây cũng chính là những lĩnh vực sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo một cách triệt để nhất.

Như vậy, phải chăng chỉ lực lượng lao động phổ thông mới trở thành “nạn nhân” của cách mạng công nghiệp 4.0?

Không phải! Tôi nhấn mạnh đến lực lượng lao động phổ thông, vì họ đang chiếm số đông trên thị trường lao động, và nếu như bị thất nghiệp thì hệ lụy đối với xã hội sẽ là rất nghiêm trọng. Nhưng ngay cả những ngành nghề kỹ thuật cao, sử dụng hầu hết lao động qua đào tạo, thậm chí cả những nhân sự trung – cao cấp, cũng có thể bị thải loại.

Ví dụ như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hiện giờ các bác sĩ đều khám bệnh bằng "trực quan", kê toa thuốc hay lên phác đồ điều trị theo cảm nhận chủ quan của mình. Nhưng khi một chiếc "máy khám bệnh" với trí thông minh nhân tạo được đưa vào sử dụng, thì nó không những "bắt bệnh" một cách chính xác, nhanh chóng, mà còn làm luôn cả việc lên phác đồ điều trị, kê toa thuốc – tất cả chỉ trong nháy mắt. Hãy hình dung, một bác sĩ hiện khám và kê toa cho một bệnh nhân hết chừng 10 phút, còn chiếc máy kia chỉ làm trong… 30 giây, thì có bao nhiêu bác sĩ sẽ bị "thay thế"?

Không riêng gì y tế, mà nhiều lĩnh vực khác như kiến trúc, tài chính, du lịch, giáo dục… với xu thế như hiện nay thì máy móc sẽ dần thay thế con người, đẩy không ít kiến trúc sư, chuyên viên tài chính, chuyên viên dịch vụ du lịch, giáo viên… ra khỏi nơi làm việc quen thuộc của mình. Xin lưu ý, đây cũng chính là những lĩnh vực có đông phụ nữ tham gia làm việc.

Quả là đáng sợ! Với một xã hội mà thứ gì cũng do máy móc làm hết như vậy, thì chẳng lẽ người lao động phải chịu… “treo niêu”? Rồi đời sống của họ, của gia đình họ sẽ ra sao?

- Thật ra, thế giới cũng đã từng trải qua những giai đoạn như vậy rồi. Hồi cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ở Anh cũng đã từng phát sinh mẫu thuẫn xã hội gay gắt, khi cách mạng công nghiệp bắt đầu xuất hiện, máy móc thay thế con người, khiến rất nhiều người bị mất việc làm. Hồi ấy, nhiều vụ đập phá máy móc, đại bãi công đã nổ ra, đòi việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, xu thế tiến bộ vẫn thắng thế, bởi nó không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm, mà còn đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại hơn, nhiều thành tựu khoa học cùng nhiều ngành nghề mới ra đời. Ngay tại chính những nước khởi đầu cách mạng công nghiệp, mặt bằng đời sống người dân cũng được nâng cao, xã hội phồn vinh, thịnh vượng.

Tôi nghĩ rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này diễn ra trong bối cảnh xã hội loài người đã đạt đến một tầm mức văn minh khá cao, “danh mục” ngành nghề lên tới hàng chục nghìn và còn có thể nhiều hơn nữa trong tương lai. Do đó mà những phản ứng từ dân chúng có thể sẽ không quyết liệt như hồi “đại cách mạng công nghiệp” vào 2 thế kỷ trước, bởi khả năng thích ứng của con người hiện giờ là tốt hơn rất nhiều. Có câu ngạn ngữ “một cách cửa đóng lại, nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra”, cùng với thách thức to lớn, thì cơ hội cũng là rất nhiều.

Nhưng, những ai không có khả năng thích ứng sẽ có nguy cơ bị “bỏ rơi”. Làm sao để không bị thời cuộc “bỏ rơi”, thưa ông?

- Đúng là không ít người có nguy cơ bị "bỏ rơi", bị thất nghiệp dài dài, nếu không có khả năng thích ứng với cái mới. Vấn đề quan trọng là cần phải chủ động tiếp cận với những "làn sóng mới" về kỹ thuật, công nghệ. Có lẽ đã hết thời của lao động tay chân rồi! Đây là thời của những người có kiến thức, kỹ năng, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, và nhất là biết làm chủ bản thân.

Tất nhiên, không phải ai cũng có khả năng làm chủ công nghệ. Những người trước giờ chỉ biết lao động tay chân, chưa được trang bị đủ về kiến thức văn hóa sẽ rất khó tìm ngay được một vịtrí nào đó giữa những nhà máy chỉ toàn robot. Mặt khác, một khi đã giảm thiểu số nhân công, thì các chủ doanh nghiệp cũng sẽ chỉ lựa chọn những người có trình độ, có văn hóa phù hợp với doanh nghiệp, để đưa vào bộ máy của mình. Những người khác có thể sẽ tạm không có việc làm. Không còn cách nào khác, họ phải tự tìm cho mình một hướng đi mới, một công việc mới phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Ví dụ, có những ngành nghề dịch vụ mà máy móc chưa thể thay thế, hoặc những mô hình kinh doanh quy mô nhỏ, những công việc vẫn cần đến bàn tay con người… Những ngành nghề nghệ thuật, hay những lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thợ làm vườn… vốn phù hợp với sự cần cù, khéo léo của người Việt Nam – đặc biệt là phụ nữ , cũng có thể là những lựa chọn hợp lý.

Tuy nhiên, cuộc sống không bao giờ dừng lại. Những người này – có thể là số lượng rất đông đảo, cần phải vừa làm để sống, vừa phải học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, để đến một lúc nào đó có đủ khả năng gia nhập lực lượng lao động ở khu vực chính thức – tức các công sở, nhà máy, hoặc tự lập nên những doanh nghiệp do chính mình điều hành – với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Những người lao động sẵn sàng phát triển những kỹ năng mới sẽ tìm được công việc mới.

Với riêng phụ nữ, khi nền kinh tế mỗi ngày một tự động hóa cao, lao động trong nhiều ngành nghề sẽ biến động rất lớn. Muốn nắm bắt được các lợi thế trong thời đại mới, điều quan trọng là phụ nữ cần được trang bị các phương pháp tư duy mới để tạo ra sự khác biệt và tận dụng tối đa cơ hội có được. Cụ thể, bên cạnh việc tự trang bị kiến thức và kỹ năng, tiếp cận công nghệ mới, việc lựa chọn ngành nghề, hình thức và phương thức lập nghiệp cũng phải có những thay đổi cơ bản.

VIỆT HÙNG (Báo Dân sinh_

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cach-mang-cong-nghiep-40-khien-lao-dong-nu-treo-nieu-20181019095914213.htm