Cách mạng công nghiệp 4.0: Hiểu đúng và chọn bước đi thích hợp

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của một số doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại cuộc họp

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện khảo sát về tác động và tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp số. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn sử dụng phương pháp, chỉ tiêu và bộ công cụ đánh giá do Quỹ IMPLUS của Hiệp hội kỹ thuật cơ khí của Đức (VDMA) phát triển, có điều chỉnh phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành gửi phiếu tới gần 15.000 doanh nghiệp cho 17 nhóm ngành/lĩnh vực sản xuất thuộc ngành công nghiệp và đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội sản xuất công nghiệp và các Sở Công Thương tại các tỉnh thành phố phối hợp trong quá trình điều tra khảo sát. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và làm việc tại một số tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp điển hình trong thực hiện hoạt động này.

Tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao cho Vụ chủ trì phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nghiên cứu đánh giá tổng thể tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến ngành Công Thương, từ đó đề xuất những chính sách, chiến lược của ngành để tiếp cận với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Triển khai nhiệm vụ được giao, để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng và thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học và các hoạt động khảo sát đánh giá liên quan đến nội dung nêu trên. Nhiệm vụ hợp tác với UNDP là một trong những nội dung thuộc phạm vi của chuỗi hoạt động này. “Kết quả nhiệm vụ là căn cứ quan trọng để Vụ tham mưu với Lãnh đạo Bộ để đề xuất một số ngành ưu tiên đầu tư, phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời kiến nghị một số điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển ngành, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận và tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại” – ông Trần Việt Hòa cho hay.

Phát biểu tại kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến cho các doanh nghiệp về lợi ích, thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, đồng thời cần khẩn trương xây dựng những khuôn mẫu chuẩn về mô hình sản xuất ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có tiêu chí đánh giá, đồng thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện. Thứ trưởng đánh giá, “Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của một số doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp ở Việt Nam” được thực hiện công phu, cẩn thận và khoa học. Đây là tiền đề cho những nghiên cứu, phân tích tiếp theo để đề xuất những chính sách, chiến lược của ngành tiếp cận với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-hieu-dung-va-chon-buoc-di-thich-hop-110833.html