Cách mạng công nghiệp 4.0: Định hướng giáo dục là quan trọng

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khiến cho ranh giới của các khái niệm thuộc các lĩnh vực mà con người đang hoạt động dễ bị xóa nhòa. Đồng thời nó cũng định nghĩa lại cách thức mà chúng ta tiếp cận lẫn tương tác với các mối quan hệ trong thế giới số.

CMCN 4.0 đặt con người trong các mối quan hệ của thế giới số

CMCN 4.0 đặt con người trong các mối quan hệ của thế giới số

Chính vì hoàn cảnh xung quanh liên tục biến đổi không ngừng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải liên tục cập nhật kỹ năng để thích ứng. Quá trình thích ứng cần một công cụ mang tính phổ quát: đó là giáo dục!

Phải thay đổi quan điểm về phương pháp giảng dạy

Phòng học với các chiếc máy tính được cho là sẽ xuất hiện nhiều trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi sâu sắc nền giáo dục của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó, một trọng tâm lớn đang bị dịch chuyển là phương pháp giảng dạy.

Thời đại 4.0 cung cấp lượng thông tin ở quy mô rất lớn, tốc độ truyền tải nhanh chóng, phương pháp học tập đa dạng, cách thức sắp xếp và tìm kiếm khoa học, tiến bộ. Người thầy không thể cứ nói lại những điều sẵn có vì thông qua keyword trong công cụ tìm kiếm, các bản sách in dạng file được chia sẻ miễn phí, người học hoàn toàn đủ khả năng thụ đắc lượng kiến thức nhiều hơn cả thầy.

Tuy nhiên, thời đại 4.0 cũng ghi nhận sự nỗ lực và nhạy bén của người thầy trong việc tiếp thu các đường lối giáo dục chủ động, tiến bộ. Không ít giáo viên, giảng viên trẻ làm quen khá nhanh với hệ thống thông tin, nhất là những thông tin giáo dục rất quý và miễn phí trên mạng như các bài thuyết trình của chương trình giáo dục trực tuyến mở TED, kho tài liệu bài giảng từ Đại học Harvard, MIT. Những phương tiện này giúp thầy cô giảng dạy hiệu quả hơn, nâng cao khả năng giao lưu và học hỏi.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngày nay, quá trình dạy học đã trở thành quá trình truyền thông. Nhà trường giờ đây không còn độc quyền về mặt tri thức, nhưng phải nhận lãnh vai trò tổ chức, hướng dẫn người học tiếp nhận tri thức.

Thay vì cung cấp tri thức một chiều, các trường học ở Việt Nam nên sử dụng tối đa các phương pháp 4.0 nhằm khơi dậy trong người học tinh thần chủ động học tập, khả năng đào sâu nghiên cứu.

Tinh thần độc lập, chủ động sáng tạo là yếu tố tiên quyết để một công dân hòa nhập vào môi trường toàn cầu hóa, sẵn sàng chấp nhận và dung hợp mọi thách thức, mọi khác biệt, có thể làm việc với một vai trò đa nhiệm. Tinh thần đó chỉ có thể đạt được thông qua con đường giáo dục khai phóng.

Thách thức thực tế và nỗ lực của hệ thống giáo dục

Kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong dạy và học

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, các quốc gia diễn ra nhanh chóng. Xu hướng startup và startup quốc tế bắt đầu nổi lên lấn lướt truyền thống làm công ăn lương.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dần chấp nhận từ bỏ những bộ phận nhân sự không mang tính cốt yếu và thay thế bằng một giải pháp thuê làm bên ngoài. Trong xu hướng “phẳng hóa” thị trường lao động, bản thân các trường ĐH, nơi từng mệnh danh là tháp ngà tri thức, cũng phải tự định dạng lại thương hiệu của mình.

Vừa qua, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đã tiên phong trong việc đặt ra vấn đề thiết kế “bộ nhận diện thương hiệu” dành cho trường ĐH. Nhận diện thương hiệu ĐH không chỉ gói gọn trong việc thay đổi diện mạo thuần túy của một trường ĐH, nó còn phản ánh tư duy toàn cầu của nhà trường.

Hiện nay, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo Tiến sĩ cấp bằng quốc tế cho chuyên ngành tài chính ngân hàng. Dự kiến, nhà trường sẽ đón nhiều học viên từ Trung Quốc đến làm nghiên cứu sinh.

Không riêng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, nhiều trường ĐH cũng muốn định dạng mô hình trường đào tạo đa ngành nghề, với cơ cấu tổ chức một ĐH bao gồm nhiều trường, viện. Khái niệm “trường ĐH” rất tách bạch với khái niệm “ĐH”.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay của các trường ĐH là làm sao xây dựng được đội ngũ giảng viên có năng lực hội nhập toàn cầu.

PGS.TS Võ Văn Sen – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TPHCM cho rằng: “Nhà khoa học lao động cần cù như một thương gia để duy trì thành quả khoa học trước đó thì chỉ đào tạo ra đội ngũ trí thức làm “thợ”, những người thực hiện nhiệm vụ lắp ráp lại sản phẩm, hoàn toàn không thể sáng tạo được”

Người thầy cần chủ động, tự giác đổi mới toàn diện. Đầu tiên là xây dựng chương trình giảng dạy thực tế, không tầm chương trích cú. Chú trọng những phương pháp giảng dạy đề cao năng lực tư duy và tính phản biện. Nội dung giảng dạy phải liên tục tiếp thu những lý luận mới mẻ. “Giảng viên nên học hỏi nhiều từ trường đời, đó là trường ĐH lớn nhất” – PGS.TS Võ Văn Sen.

Những nỗ lực từ bên ngoài hệ thống

Cuối tháng 10/2019, Thành đoàn TPHCM phối hợp với nhiều trung tâm, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, giáo dục để ra mắt và ký kết hợp tác Liên minh giáo dục 4.0. Liên minh giáo dục 4.0 được hỗ trợ của mạng lưới chuyên gia, doanh nghiệp, các cố vấn giải pháp, quỹ đầu tư và nghiên cứu… nhằm tạo dựng một hệ sinh thái 4.0.

Trong đó, các đối tượng giáo viên, học sinh-sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp, quỹ tài trợ, công nghệ và chính sách được tập hợp lại, nhằm kiến tạo nguồn lực hỗ trợ học sinh – sinh viên phát huy tư duy khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ dám làm, sẵn sàng cho tương lai.

Sau khi chính thức ra mắt, liên minh giáo dục 4.0 sẽ triển khai đồng loạt nhiều hoạt động. Đầu tiên là các hội thảo về xu hướng giáo dục Việt Nam và thế giới, xu hướng tuyển dụng tương lai của doanh nghiệp. Kế đến là các buổi đối thoại với chuyên gia và tổ chức về phát triển bền vững, công nghệ AI, Blockchain, Bigdata…

Ngoài ra, Liên minh còn tổ chức các không gian phục vụ sáng tạo, thư viện thông minh, giúp người học tiếp cận phương pháp học và hành qua STEM, phương pháp dạy robot…Điểm mới của Liên minh giáo dục 4.0 là chú trọng đến phát triển năng lực ngoại ngữ trong giảng dạy và giáo dục hạnh phúc.

Trong tương lai gần, Liên minh giáo dục 4.0 sẽ được nhân rộng ra các tỉnh thành trong cả nước, với 2-3 huấn luyện viên hạt nhân/tỉnh thành. Đây có thể xem là một điển hình cho nỗ lực của các bên liên quan nằm ngoài hệ thống giáo dục nhưng có tác động quan trọng giúp cải thiện và tăng cường sự lựa chọn cho người học bên trong hệ thống, nhằm hướng đến việc tạo ra đội ngũ lao động tương lai có đủ khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn nhiều biến chuyển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, định hướng giáo dục là định hướng từ bậc mầm non; định hướng giáo dục là tạo ra sự thay đổi từ cấp quản lý và tạo ra một thế hệ tương lai cho đất nước. Trong đó, cách tốt nhất là tập trung ngay từ Mầm non. Và ở kỷ nguyên 4.0, điều tạo ra sự khác biệt là khả năng sáng tạo. Nó không chỉ tạo ra sự khác biệt cho từng quốc gia mà còn tạo ra sự khác biệt của từng cá nhân với nhau, đặc biệt hơn là sự khác biệt với robot, trí tuệ nhân tạo...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cach-mang-cong-nghiep-40-dinh-huong-giao-duc-la-quan-trong-4043953-v.html