Cách mạng 4.0: Thời cơ 'vàng' cho nông nghiệp Việt Nam

Các ứng dụng của công nghệ 4.0 sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, phân tích thông tin môi trường, điều khiển, hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động…

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội “vàng” cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Các ứng dụng của công nghệ 4.0 sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, phân tích thông tin môi trường, hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông… từ đó, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống.

Dưới đây là chia sẻ của kiều bào về ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp Việt Nam:

Ông Hoàng Nguyên (Việt kiều Mỹ): Doanh nghiệp đặt ra "bài toán" và trường đại học "giải"

Ông Hoàng Nguyên: Doanh nghiệp đặt ra "bài toán" và trường đại học "giải"

Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên thế giới như: công nghệ xử lý hình ảnh, công nghệ chỉnh sửa gen… đã đạt đến độ chín muồi để đẩy quả bóng nông nghiệp đi với tốc độ cao hơn. Những công nghệ tiền đề này, nếu như Việt Nam không bắt kịp thì sẽ đi tụt lại đằng sau trong cuộc chạy đua. Vì thế, Việt Nam cần phải bắt kịp nhịp của cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0 và sau đó phải đẩy khoa học công nghệ lên mức cao nhất hiện nay để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Tôi cho đây là thời cơ vàng của Việt Nam bởi cuộc cách mạng công nghệ mới này sẽ thay đổi toàn diện cục diện của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong khâu chế biến và khâu sản xuất.

Hiện ứng dụng công nghiệp trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang rất rời rạc, mạnh ai nấy làm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn mua công nghệ với giá rất cao. Điều này sẽ đẩy giá sản phẩm lên rất cao. Vì thế, đi mua công nghệ là không ổn. Tôi cho rằng cần kết nối trường đại học và doanh nghiệp . Doanh nghiệp đặt ra "bài toán" và trường đại học "giải". Và doanh nghiệp phải đủ lớn để trả tiền, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho các nhà khoa học trong các trường đại học.

Tôi thấy rằng, tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp lớn, ví như Vinamilk, TH True Milk… Đây là những doanh nghiệp lớn đủ sức để đầu tư. Nếu doanh nghiệp không đủ sức đầu tư thì phải có hiệp hội tham gia quá trình tạo ra công nghệ đó. Như vậy thì khoảng cách giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ được rút ngắn lại và vấn đề công nghệ sẽ được giải quyết.

Và trong công cuộc này, Chính phủ Việt Nam cũng phải đóng vai trò quan trọng, vai trò điều phối.

Ông Long Nghiêm (Việt kiều Úc): Công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt Nam vươn mình ra thế giới

Ông Long Nghiêm: Công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt Nam vươn mình ra thế giới

Công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt tái cơ cấu nền nông nghiệp, thay đổi theo chiều sâu là làm tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những sản phẩm mới.

Vật nuôi, cây trồng cũng như con người, cần phải sống trong môi trường tốt thì mới phát triển tốt được. Ví như trong lĩnh vực nuôi tôm, trên 50% chi phí nuôi tôm là chi phí xử lý nước . Nước sạch thì tôm mới sống được. Công nghệ hiện đại có thể xử lý chất phú dưỡng trong môi trường có độ mặn cao để nuôi tôm chất lượng.

Tôi cho rằng, để tiếp cận công nghệ 4.0 hiệu quả, Chính phủ phải làm công tác cầu nối, doanh nghiệp đặt đầu bài và tài trợ và người nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Ba bên cần phải kết hợp với nhau nhuần nhuyễn . Hiện các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp rất ít khi có cơ hội để gặp gỡ nhau để trao đổi.

Ví dụ, cơ chế để khuyến khích cho nghiên cứu và phát triển còn rất khiêm tốn. Tại các quốc gia khác, khi doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là sẽ được miễn thuế hoặc được trợ cấp, được hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ. Nhưng với Việt Nam, cơ chế cho việc này so với các nước Đông Nam Á khác còn chưa tốt.

Công nghệ 3.0 đã từng là cơ hội để nhiều nước trên thế giới trở thành cường quốc. Nếu Việt Nam tận dụng tốt công nghệ 4.0 thì cũng sẽ là cơ hội để vươn mình ra thế giới.

Ở Úc, những gì có thể tự động hóa được là người ta tự động hóa hết, từ việc mua sắm, tàu xe… Tuy nhiên, cái hay của họ là khi chuyển đổi cơ chế thì họ luôn nghĩ đến việc lao động dư thừa sẽ làm gì? Và họ sẽ chuyển hóa nhanh chóng những lao động đó sang ngành dịch vụ.

Ở Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất đó là cơ cấu lao động nhiều nhưng sản lượng không nhiều. Khi mình công nghiệp hóa nông nghiệp, nghĩa là mình sẽ giải phóng một loạt nhân lực đó và phải nghĩ ngay đến việc họ sẽ phải làm gì? Để giải bài toán này, bên Úc đã kết hợp nông nghiệp và du lịch và họ làm rất mạnh. Gần như nông trại nào cũng vừa sản xuất và vừa thu thêm tiền vé tham quan nông trại. Vì lí do đơn giản là ai cũng tò mò xem “con tôm được nuôi thế nào?”.

Ông Trần Đăng Xuân (Việt kiều Nhật Bản): Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để chọn lọc những công nghệ phù hợp

Ông Trần Đăng Xuân: Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để chọn lọc những công nghệ phù hợp

Công nghệ 4.0 sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để chọn lọc những công nghệ phù hợp.

Nói đến công nghệ 4.0 người ta cứ nghĩ đến những gì rất ghê gớm, thực ra thì không đến mức như vậy. Việt Nam chúng ta tiếp nhận khoa học kỹ thuật nhưng so với thế giới vẫn còn xa. Thực ra là chúng ta vẫn đang áp dụng công nghệ nhưng cơ bản theo phương pháp truyền thống.

Chúng ta ít được hỗ trợ của cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ở Nhật Bản, cấp trung ương, địa phương… đều có hệ thống hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Do vậy, nông dân Nhật Bản được hỗ trợ công nghệ rất nhiều. Vậy thì ở Việt Nam, chúng ta nên tìm ra giải pháp, đó là sự kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để mang lại công nghệ 4.0 cho nông nghiệp Việt Nam./.

Bài, ảnh: Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/cach-mang-40-thoi-co-vang-cho-nong-nghiep-viet-nam-358763.html