Cách mạng 4.0 tác động lớn đến lao động bất động sản

Không còn là dự báo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thực tế đã và đang làm thay đổi lý thuyết đô thị và lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực này bởi những ứng dụng đầy mới lạ và tiện ích.

Nền tảng của đô thị thông minh

Trong 250 năm qua, xã hội loài người trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất xảy ra ở Anh cuối thể kỷ 18 gắn với sự ra đời của động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ 1870 đến 1914, đặc trưng bởi các hệ thống chế tạo sản phẩm hàng loạt dựa trên dây chuyền sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba là của công nghệ số, bắt đầu từ chiếc computer đầu tiên xuất hiện vào năm 1942 ở Hoa Kỳ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Công nghệ 4.0 là một cụm từ xuất phát từ một nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh doanh, học giả của Đức tại Hội Chợ Hanover năm 2011 sau khi chính phủ Đức đưa ra một đề án nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ chế tạo của Đức. Chính phủ liên bang Đức đã dùng cụm từ này trong bản Chiến lược cho công nghệ cao tới năm 2020. Sau đó một nhóm chuyên gia được thành lập để nghiên cứu về vấn đề này và hai năm sau, năm 2013, nhóm này cho ấn hành “Bản báo cáo cuối cùng về công nghệ 4.0”.

Khác với các phát minh khoa học công nghệ đã dẫn tới ba cuộc cách mạng trước đây, bản chất của Công nghệ 4.0 là sản xuất ra các sản phẩm thông minh, biết tương tác với nhau dựa trên công suất tính toán khổng lồ của điện toán đám mây. Vì đô thị về bản chất là một sản phẩm tích hợp phức tạp nhất mà con người tạo ra, rõ ràng Công nghệ 4.0 chắc chắn chỉ có thể thành công đúng nghĩa nếu tạo ra được các đô thị thông minh.

 Hình minh họa

Hình minh họa

Như đã nói ở trên, về mặt bản chất, cách mạng 4.0 trong khu vực đô thị, đồng nghĩa với việc tạo ra các thành phố thông minh, trong đó các thành phần chức năng của chúng hoạt động theo các chương trình hiệu quả và tính hiệu quả này luôn luôn được cải thiện và tối ưu hóa dựa trên các công cụ tính toán và thu thập dữ liệu như điện toán đám mây (cloud computing), crowdsourcing, trên nền tảng IoT (Internet vạn vật).

Các mô hình mới của cấu trúc đô thị cho phép xây dựng, quản lý và dự báo về hoạt động các thành phần chức năng này, trong khuôn khổ tác động tương hỗ giữa các thành tố vật thể, như quỹ nhà, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, và các thành tố phi vật thể, như chính sách đô thị, thị hiếu, xu hướng xã hội theo đúng các nguyên tắc đề xuất bởi lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO).

Trong các mối quan hệ tương hỗ này, nếu trước đây việc đo đếm định lượng hóa các yếu tố phi vật thể là một câu hỏi nan giải, thì ngày nay, với các công cụ tính toán thống kê hiện đại như hồi quy giá ẩn (hedonic regression, HR) hay hồi quy trọng số địa lý (Geographically Weighted Regression, GWR), kết hợp với việc sử dụng số liệu lớn (Big Data) và các kỹ thuật khai thác dữ liệu (Data Mining), có thể phân tích định lượng các yếu tố phi vật thể với độ chính xác và tính ổn định của kết quả rất cao.

Bất động sản thay đổi

Với sản phẩm nhà ở và các dịch vụ đô thị là các loại hàng hóa trên thị trường, có thể coi thị trường nhà ở và bất động sản đô thị như một cỗ máy thông minh khổng lồ hoạt động dựa trên các tương tác giữa người bán và người mua được hỗ trợ bởi một hệ thống marketing và bán hàng trong đó nhiều công đoạn được tự động hóa hoàn toàn.

Nếu cách đây khoảng chục năm, nhiều người vẫn còn cho đó là những điều kỳ diệu tưởng chừng chỉ có có trong những cuốn truyện tranh của Marvel hay Doraemon, thì hiện nay, nó đã trở thành hiện thực và ngày càng phổ biến trong thực tế. Nhờ vào cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển vượt trội của internet và các nền tảng thương mại điện tử, cùng các ứng dụng Điện toán đám mây hay Trí tuệ nhân tạo AI đã chuyển đổi mọi thứ từ thế giới thực sang thế giới số. Gần như mọi định nghĩa về hoạt động kinh doanh bị phá vỡ, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Với những tiến bộ về công nghệ trên nền tảng IoT, AI và Big Data, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng và quản lý. Tại Việt Nam, thời gian qua, không ít doanh nghiệp bắt đầu rót vốn đầu tư cho các dự án thông minh của mình. Sự chuyển mình và thích ứng để không bị tụt hậu trong cuộc đua số là phương châm mà một số doanh nghiệp bất động sản đặt lên là hàng đầu. Sự đột phá công nghệ không chỉ mang tới sự thuận tiện cho các khách hàng, mà góp phần làm giảm chi phí quảng cáo, thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng của nhân viên môi giới.

Theo phương thức truyền thống, để bán hàng, nhân viên phải dùng nhiều đến giấy tờ, đưa khách hàng đến tham quan dự án thì với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả máy móc, thiết bị hiện đại sẽ dần thay thế. Kết nối Internet siêu nhanh và giải pháp công nghệ thực tế ảo sẽ giúp chia bất động sản thành nhiều tuyến khác nhau. Giờ đây, các không gian trưng bày mô hình sản phẩm sẽ được thay thế bằng mô hình không gian thực tế ảo, tạo cảm hứng và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của khách hàng. Các giải pháp thực tế ảo, công nghệ BIM và số hóa sản phẩm lên GIS sẽ phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời giảm đi lượng chi phí đáng kể và nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành này.

Trong tương lai gần, robot và máy tính công nghệ cao sẽ dần thay thế con người trong suốt mọi quy trình làm việc. Với công nghệ Big Data và khả năng phân tích siêu việt, máy tính sẽ có cả kho dữ liệu về khách hàng, hiểu tâm lý và nhu cầu vượt xa tầm hiểu biết của con người. Nếu bạn là chuyên gia công nghệ và làm trong lĩnh vực bất động sản, tương lai của bạn sẽ được đảm bảo, tuy nhiên, mặt trái là nó sẽ cướp đi công việc của sale của một nhân viên kinh doanh. Trên thực tế, việc áp dụng “Cách mạng công nghiệp 4.0” vào kinh doanh bất động sản sẽ sinh ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Mọi giải pháp công nghệ sẽ giúp cho người dùng nhanh chóng đưa ra quyết định hơn là các phương pháp thủ công thông thường. Việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản còn giúp cho chủ đầu tư quản lý, vận hành và phát triển một cách thông minh, minh bạch hơn. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được dự báo là có thể gây ra sự bất bình đẳng, phá vỡ thị trường lao động.

TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty ứng dụng công nghệ mới VINACONEX R&D

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/bat-dong-san/cach-mang-4-0-tac-dong-lon-den-lao-dong-bat-dong-san-296344.html