Cách mạng 4.0 ở Việt Nam: 'Cần những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực'

'Chúng ta có tranh thủ thời cơ để không tụt hậu trong cách mạng công nghiệp 4.0 hay không phụ thuộc và cơ chế chính sách của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nhấn mạnh trong phát biểu của mình tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.

Dẫn thông tin từ sách Trắng Công nghệ thông tin và truyền thông năm 2017, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho biết, nước ta trong thời gian qua, công nghệ thông tin đã có những bước phát triển quan trọng ở cả ba lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ, trong đó năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ đôla, chiếm 88%; công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ đô la, chiếm 5,58% và dịch vụ công nghệ thông tin là 5,07 tỷ đôla, chiếm 6,42 %.

“So với ngành công nghiệp ô tô, được coi là ngành rất nóng của năm 2016, tổng doanh thu là 3,7 tỷ đôla thì ngành công nghệ thông tin có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù vậy, so với trình độ phát triển công nghệ thông tin của thế giới, công nghệ thông tin của nước ta đang tụt hậu xa, chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế - xã hội hay trong điều hành Chính phủ”.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong thực hiện còn rất nhiều bất cập. Theo đại biểu, cần khai thác một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để chiếm lĩnh những mặt tiền kinh doanh và thu hút đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 không đòi hỏi phải đạt đến trình độ nhất định mới triển khai và có thể áp dụng ngay trong chừng mực nhất định. Uber hay Grab là những ví dụ dễ thấy, nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh cũng là ứng dụng chứng minh sự phổ biến.Khai thác thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 thực tế còn là cách tạo ra đột phá trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, áp dụng internet kết nối vạn vật trong phát triển nông nghiệp thông minh tạo những bước nhảy vọt trong nông nghiệp nếu so sánh với tập quán canh tác truyền thống của chúng ta. Vấn đề là cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta”, đại biểu nói.

Cũng dành nhiều quan tâm cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dường như đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Vấn đề đặt ra là tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng này?”.

Đại biểu Nhân cho biết, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần này, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Về các yếu tố phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo ĐH, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, 77 về năng lực sáng tạo, trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho phản ứng 4.0.

Mới đây nhất báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã siết chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam thứ 95/140 quốc gia, trên Lào một bậc và kém Campuchia 3 bậc, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mỗi nền kinh tế số. Kết quả tổng điều tra kinh tế trong năm 2017 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ có 36% các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp sử dụng máy tính và internet để điều hành các tác nghiệp, 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

“Điều đó cho thấy mặc dù người đứng đầu Chính phủ nóng lòng hối thúc tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử - một trong những nền tảng cho cách mạng lần này - vẫn còn rất chậm thì làm thế nào để vượt lên chính mình và không bị bỏ lại phía sau”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Theo đại biểu, “thế giới không đứng yên để chúng ta vận động tiến lên cho bằng vai, phải lứa mà tất cả đều đang chuyển động với một gia tốc chưa từng có trong lịch sử. Thậm chí trên đường đua đó họ đã chuẩn bị từ buổi bình minh của cuộc cách mạng lần thứ 4 vẫn chưa ló rạng”. Do đó, “trong bối cảnh hiện nay, phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia so với thời kỳ trước. Giàu có tài nguyên thiên nhiên không có ý nghĩa gì nhiều trong nền kinh tế số bởi cách mạng công nghiệp lần này được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực lao động chuyên môn cao, trình độ khoa học công nghệ cao”.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cach-mang-40-o-viet-nam-can-nhung-chinh-sach-nhanh-manh-thiet-thuc-125760.html