Cách mạng 4.0: Những vấn đề pháp lý đặt ra trong xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh

Phiên thảo luận thứ hai 'CMCN lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra trong xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh' diễn ra sáng 24/6 do TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chủ trì.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã triển khi xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000, trải qua nhiều giai đoạn triển khai, đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào các lĩnh: vực cải cách thể chế, cải cách hành chính, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu điện tử, bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng… Ông Tuấn Anh cho rằng Chính phủ điện tử và đô thị thông có quan hệ mật thiết với nhau. Theo đó, sẽ giúp đơn giản thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho việc chia sẻ, thu hợp, tổng hợp phân tích dữ liệu phục vụ cho chỉ đạo, điều hành đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Còn ông Trần Ngọc Linh, Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng đô thị thông minh có mức độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu hướng đến của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, vì đã có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển rồi nên họ hướng tới xây dựng, phát triển môi trường thông minh, kinh tế thông minh, giảm rác thải và năng lượng tái tạo nhiều nhất có thể. Đối với các nước đang phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đô thị bình thường nên còn phải chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện nước thông minh, giảm rác thải…

TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chủ trì phiên thảo luận thứ hai

TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chủ trì phiên thảo luận thứ hai

Đối với nước ta, hiện chưa có quy chuẩn về đô thị thông minh nhưng trên thế giới đã nghiên cứu các tiêu chuẩn phổ quát, trong đó hướng đến các giá trị bền vững của con người. Từ nay đến năm 2025, nước ta sẽ tiến hành thí điểm ở một vài đô thị, theo đó cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc thí điểm đó đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, đồng bộ bởi không có cơ sở dữ liệu sẽ không thể quy hoạch, quản lý đô thị thông minh và không thể cung cấp dịch vụ cho người dân.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết Hà Nội là một trong ba thành phố từ nay đến năm 2025 xây dựng chính quyền đô thị thông minh. Theo đó, Hà Nội đã và đang tập trung triền khai: xây dựng nền tảng công nghệ thông tin đảm bảo phát triển mạnh mạng nội bộ, băng thông rộng; xây dựng sử dụng phần mềm dùng chung 3 cấp ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư và một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; thu hút chủ đầu tư xây dựng một số đô thị thông minh. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc pháp lý do định nghĩa, cơ chế về đô thị thông minh chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thuê, sử dụng các dịch vụ viễn thông, khai thác cơ sở dữ liệu… nên đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý.

K.Quy – H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/cach-mang-40-nhung-van-de-phap-ly-dat-ra-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-va-do-thi-thong-minh-458358.html