Cách mạng 4.0: Mở đường mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Xuất khẩu là một hoạt động quan trọng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nói chung và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano… mở ra khả năng khả năng giúp xuất khẩu đáp ứng về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bên cạnh đó cũng sẽ tạo ra không ít những thách thức cho doanh nghiệp trong nước. Vậy đâu là hướng đi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng Công nghiệp này?

Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ mở ra con đường mới giúp doanh nghiệp XNK có những bước tiến xa hơn nữa nếu biết nắm bắt cơ hội. (Ảnh minh họa)

“Không bỏ lỡ con tàu” từ cuộc Cách mạng 4.0

Xuất khẩu là một hoạt động quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nói chung và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tốc độ tăng bình quân là 17,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD và theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam xếp thứ 26 trong các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Năm 2017, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt mốc 200 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu đã đóng góp quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, cân bằng cán cân thương mại, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”, mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng, liên tục chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn đặt hàng hay về sự cố hoặc lỗi.

Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới có những tính năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nước nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh và có năng suất, chất lượng cao được nghiên cứu nhờ công nghệ sinh học phân tử.

“Hiện các Bộ, ngành đang triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đảm bảo Việt Nam “không bỏ lỡ con tàu” từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Về phía Bộ Công Thương – với chức năng quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để thấu hiểu và hỗ trợ triển khai thực tế Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và phương thức để doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phải liên tục đổi mới

Theo Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp XNK Việt Nam như: Giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80%) cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử/số, tài chính số …), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại, và kinh doanh BĐS…

Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển và cung cấp SP-DV với chất lượng cao hơn, cải tiến qui trình; tăng năng suất lao động, linh hoạt, an toàn, bảo vệ môi trường, đây cũng là cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (mô hình thương mại số), …

Bên cạnh những cơ hội trên, ông Trần Việt Hòa Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những nhược điểm của doanh nghiệp trong nước hiện nay, đó là năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khiêm tốn. TheoBáo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 cho thấy, Việt Nam được xếp hạng chung là 56/140, tuy nhiên, các chỉ số về đổi mới sáng tạo lại thấp.

Năng suất lao động ở mức thấp so với khu vực. Tốc độ tăng năng suất có xu hướng giảm. 97%doanh nghiệp là nhỏ và vừa, 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu từ thập niên 1980-1990, 75% đã hết khấu hao; 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Tỷ lệ ứng dụng CNTT trong tự động hóa và quản lý sản xuất còn thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực văn phòng.

Trước thực tế này, ông Hòa cho biết, các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành đánh giá, xem xét và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách phát triển.

Đặc biệt, trong ngành công nghiệp – thương mại, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu, cụ thể cho từng lĩnh vực; định hướng, điều chỉnh phù hợp.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, trong vòng 10 năm tới, sẽ có khoảng 60% giao dịch xuất nhập khẩu được số hóa, trong đó các lĩnh vực viễn thông, nguyên vật liệu sẽ được áp dụng nhiều nhất.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến việc đầu tư vào phát triển công nghệ thông tin, tăng cường bộ máy tổ chức nhân sự, quản trị doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng và hoàn thiện thể chế với cuộc Cách mạng 4.0.”, ông Lực đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cũng cho rằng, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới vì Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế, công nghệ sẽ đưa đến một thế giới phẳng. Chính vì vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị hết sức kĩ càng để có thể gia nhập với thị trường.

“Doanh nghiệp liên tục phải đổi mới, bắt buộc thay đổi theo xu thế của thị trường, thế giới để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Hơn thế nữa, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị nguồn tài chính nhất định thì mới có thể thay thế được hoàn toàn nguồn nhân công giá rẻ”, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ.

Bảo Quyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cach-mang-4-0-mo-duong-moi-cho-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau/