'Cách mạng 4.0 không diễn ra tuần tự, đòi hỏi tư duy đột phá và hành động'

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, tương lai không nằm trên đường thẳng, không giống truyền thống, không diễn ra tuần tự. Do đó, đòi hỏi quan trọng hiện nay là tư duy đột phá và hành động.

Phát biểu tại phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện tại quá trình sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong không gian mạng, với sự xuất hiện của cuộc cách mạng 4.0 thế giới đang ở điểm gãy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng “Việt Nam hùng cường”.

Nói đến kinh tế số, ông Hùng cho rằng, kinh tế số là quá trình tiến hóa lâu dài, quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Ở những góc độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số phục vụ công việc của mình. Thậm chí đột phá để thay đổi về chất công việc.

“Kinh tế số giúp tăng trưởng, tăng năng suất lao động. Đồng thời cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm. Trong khi đó, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Kinh tế số là không biên giới nên sẽ làm khoảng cách giàu – nghèo. Công nghệ số cũng cho chúng ta những giải pháp giải quyết những vấn đề nan giải của loài người bấy lâu nay như ô nhiễm môi trường, giảm khoảng cách giữa thành thị - nông thôn, đo lường sự tham gia của chính sách…”

Ở Việt Nam, kinh tế số xuất hiện khi có máy tính, mãnh mẽ hơn khi có máy tính cá nhân vào cuối những năm 80 và vô cùng mạnh mẽ khi xuất hiện internet và phổ cập vào cuối những năm 2000 khi có điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sử dụng cao trên thế giới và có khả năng thích ứng nhanh. Đây là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hùng, để tận dụng được cơ hội này thì cần phải có sự dẫn dắt của Chính phủ và phải có chiến lược quốc gia về kinh tế số và chuyển đổi số.

“Cách nhanh nhất để đẩy mạnh công nghệ số là đẩy mạnh kinh tế số, thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera giảm bảo vệ; Tự động tưới cây khi đất khô hay dùng văn bản điện tử thay vì giấy tờ - đó chính là kinh tế số. Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề ở đó có công nghệ, có giải pháp. Phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt nam số hóa nền kinh tế rất nhanh”, ông Hùng nhấn mạnh

Lý giải cho việc, vì sao cần phải có sự dẫn dắt của Chính phủ và phải có chiến lược quốc gia về kinh tế số và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích, công nghệ số sinh ra mô hình kinh doanh mới thách thức mô hình kinh doanh truyền thống như Uber thách thức taxi, fintech thách thức ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, việc cho phép mạng viễn thông di động thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng.

“Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này hay không, nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng sẽ không có giá trị nhiều”, ông Hùng đặt câu hỏi

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hùng nhấn mạnh “Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, phải là sự chấp nhận sớm hơn người khác, đi trước người khác, nếu sau người khác hoặc đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng hiện nay. Nếu chúng ta chấp nhận cái mới chúng ta sẽ được 1 số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất. Đó là cơ hội của Việt Nam”

Theo vị lãnh đạo này, việc chuyển đổi công nghệ số có thể gặp rào cản trong cách tiếp cận chính sách. Trong Asean thì Việt Nam đang là nước chậm nhất về kinh tế số, Thái Lan đã chuyển đổi thành công cách đây 3 năm.

“Cách tiếp cận chính sách hiện nay là cách tiếp cận truyền thống. Quản được thì mở, quản được đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới thì cái gì không biết quản thế nào thì cho tự phát triển nhưng trong một không gian và thời gian nhất định để các vấn đề được bộ lộ một cách rõ ràng. Sau đó mới hình thành chính sách, hình thành quy định để quản lý

Đây chính là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cách tiếp cận này sẽ phù hợp để đón nhận những thay đổi mới, đón nhận những sáng tạo mới để phá hủy những cái cũ", ông Hùng phân tích.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, tương lai không nằm trên đường thẳng, không giống truyền thống, không diễn ra tuần tự. Do đó, đòi hỏi quan trọng hiện nay là tư duy đột phá và hành động.

Huyền Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/cach-mang-40-khong-dien-ra-tuan-tu-doi-hoi-tu-duy-dot-pha-va-hanh-dong-948839.html