Cách Malaysia chung sống với Trung Quốc: Malaysia Inc

Thủ tướng Malaysia đã chia sẻ cho cả thế giới về cách mà quốc gia của ông chấp nhận thực tại và tìm cách sống chung với Trung Quốc

Malaysia Inc. đối phó với Trung Quốc

Tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại được nhóm họp tại New York hôm 26/9, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có bài phát biểu ấn tượng về cách mà quốc gia này nhìn nhận về Trung Quốc và cách để sống chung với một Bắc Kinh đầy chủ nghĩa bá quyền.

"Cho dù ai đó có muốn hay không, thì Trung Quốc vẫn ở đó, và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề của thế giới. Trung Quốc đã tồn tại hàng nghìn năm nay và họ sẽ tiếp tục tồn tại cho dù có phải chịu sức ép kinh tế như thế nào. Bởi vậy, ai đó nên học cách sống chung với Trung Quốc" - Thủ tướng Malaysia chia sẻ.

Khi phát biểu tại Asia Society, một tổ chức nghiên cứu khác ở New York, vào hôm 27/9, ông Mahathir nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một "người dân tộc chủ nghĩa từ trong cốt lõi" với mong muốn "xây dựng một Trung Quốc vĩ đại hơn". Và việc sử dụng sức ép kinh tế để đối phó với các quốc gia yếu thế hơn của chính quyền Bắc Kinh là "một dạng của chủ nghĩa thực dân".

Tuy vậy, ông Mahathir nói rằng giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh vẫn có một mối quan hệ thân thiện. Ông khẳng định việc giao dịch với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là điều không thể tránh khỏi, và đây là một bài học mà các quốc gia khác nên nằm lòng. "Dù muốn hay không, bạn đều phải hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt với các quốc gia có vị trí địa lý ngay sát Trung Quốc như Malaysia" - Thủ tướng Mahathir nói.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad

Nhà lãnh đạo của Malaysia cũng nhấn mạnh ông không muốn quốc gia của mình phải mang ơn Trung Quốc, một hậu quả của việc vay mượn thái quá cho những dự án tương tự như đường sắt cao tốc. Và đồng thời, ông mở ra một chương mới cho sự phát triển của Malaysia với khái niệm "Malaysia Inc."

Khái niệm nay có thể hiểu Malaysia như một doanh nghiệp trong đó khu vực kinh tế tư nhân và Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo doanh nghiệp đó hoạt động thành công và mang lại lợi ích cho người dân và quốc gia.

Để khái niệm này hoạt động hiệu quả, cả Chính phủ và doanh nghiệp Malaysia đều cần một phương tiện là vốn đầu tư nước ngoài, thứ nữa là sự phát triển nội lực của các thị trường trong nước. Và mọi phương tiện ấy đều phải vận hành trên một nguyên tắc công khai, minh bạch tuyệt đối. "Chỉ một sự mập mờ phục vụ cho một lợi ích cá nhân hay một nhóm các cá nhân đều để lại tổn thất cho toàn bộ quốc gia" - Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Nước nhỏ, không gánh khoản nợ lớn

Malaysia đã từng bước tự chủ nền kinh tế của mình trước sức ép ảnh hưởng của Trung Quốc. Hồi tháng 5/2018, Kuala Lumpur đã hủy một loạt dự án vốn đầu tư Trung Quốc được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Najin Razak.

Tháng 8/2018, Malaysia cũng lên kế hoạch hủy hoặc tạm hoãn một số dự án liên quan đến Trung Quốc. Đáng chú ý trong đó là hai dự án đường ống dẫn năng lượng và đường sắt ở bờ biển phía Đông Malaysia. Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 22 tỷ USD. Nguyên nhân đến việc hủy dự án này rất đơn giản, Malaysia không muốn dùng tiền vay mượn một cách vô tội vạ mà không có khả năng trả nợ.

"Chúng tôi không phải phụ thuộc vào những người nước ngoài. Khi họ xây dựng, họ sử dụng lao động nước ngoài, vật liệu nước ngoài. Trong khi chúng ta phải vay nợ và phải trả nợ. Chúng ta được gì? Chả gì cả" –Thủ tướng Mahathir Mohamad từng phát biểu như vậy về dự án đầu tư cảng biển Melaka Gateway tại Malacca của Malaysia.

Dự án cải tạo cảng và xây khu công nghiệp Melaka Gateway ở Malaysia. Ảnh: NYTimes

Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Malaysia là một mắc xích quan trọng trong kế hoạch Một vành đai - Một con đường. Chỉ có điều, những quốc gia được Bắc Kinh "đánh giá cao" đều đang là những con nợ đứng trước nguy cơ phá sản. Có thể chỉ ngay ra nhóm các nước gần như không có khả năng trả nợ cho Trung Quốc bao gồm Pakistan, Sri Lanka, Montenegro, Maldives, Djibouti, Turkmenistan, Kyrgyzstan.

Và để giảm các gánh nợ lớn này, chính phủ những nước nhỏ buộc phải gán các vùng lãnh thổ trọng yếu của mình cho chính quyền Bắc Kinh dưới mác đặc khu kinh tế, thuê đất kinh doanh với thời hạn tới 99 năm.

Ngay sau khi trở lại chính trường hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia 93 tuổi đã làm thức tỉnh cả đất nước mình khi ông thẳng tay phá bỏ các bẫy nợ đang treo lơ lửng trên đầu quốc gia mình. Chưa dừng ở đó, ông tha thiết kêu gọi mọi nguồn đầu tư từ nước ngoài, bao gồm từ Mỹ, EU,... thậm chí là cả Trung Quốc với điều kiện những nguồn đầu tư này minh bạch và mang lại lợi ích thực sự cho cả hai bên: đầu tư và nhận đầu tư.

Sự tỉnh táo của Mahathir Mohamad hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia xung quanh. Đơn cử như với Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines khi nhậm chức năm 2016 đã mang về cho quốc gia mình một lời cam kết đầu tư tới 24 tỷ USD từ Bắc Kinh. Ngược lại, Philippines gần như câm lặng trước những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và quay lưng lại với đồng minh Mỹ.

Nhưng rồi những khoản tiền mà Trung Quốc cam kết 24 tỷ USD đó chỉ là chiếc bánh vẽ và những gì Philippines nhận được là mẩu vụn khoảng 73 triệu USD. Để rồi Philippines phải choàng tỉnh gần đây và run rẩy lên tiếng thúc giục Trung Quốc “nghĩ lại và kiềm chế hành vi của mình trên Biển Đông”.

Nguồn tiền từ Trung Quốc là dồi dào, không một quốc gia nào ngay cả Mỹ có thể so kè về tiền bạc với Bắc Kinh mà chiếm lợi thế. Chỉ có điều, với người đứng đầu Malaysia, lợi ích quốc gia là tối thượng, và mọi sự đầu tư đều dựa trên yếu tố công bằng, minh bạch, đôi bên cùng có lợi.

Tân Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cach-malaysia-chung-song-voi-trung-quoc-malaysia-inc-3366496/