Cách ly triệt để sẽ không để dịch có cơ hội xâm nhập vào cộng đồng

'Chiến thắng' ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã giúp cả nước thở phào. Nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và Hà Nội đã ghi nhận 3 ca nhiễm. Trao đổi với các phóng viên, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong mọi trường hợp thì công tác cách ly là cực kỳ quan trọng. Cách ly tốt sẽ khống chế được dịch, không để lan tràn dịch trong cộng đồng.

 GS,TS Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đình Nam

GS,TS Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đình Nam

Phóng viên (PV): Thời gian qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế rất hiệu quả. “Chiến thắng” ở Sơn Lôi là minh chứng rõ nhất. Để có được kết quả đó, ngành y tế đã có chiến lược như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói, trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chống Covid-19, kịch bản đưa ra 4 vòng cách ly đã phát huy hiệu quả ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Thực tế đã chứng minh chúng ta đang đi đúng hướng. Ở Sơn Lôi, chúng ta tạo ra 4 vòng cách ly. Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng như vậy. Vòng thứ nhất, với trường hợp là người nhà bệnh nhân thì được coi như là bệnh nhân và được cách ly trong các cơ sở y tế. Vòng hai là những người tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân cũng được cách ly tập trung. Vòng ba là người tiếp xúc với người tiếp xúc thì tiến hành cách ly tại nhà và có sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền sở tại. Vòng bốn là cách ly toàn bộ xã. Chúng ta thực hiện cách ly không phải là tạo ra một vòng tròn dồn tất cả mọi người vào mà đưa ra các vòng cách ly khác nhau, để hạn chế tối đa khả năng phát tán mầm bệnh. Cùng với đó, chúng ta đã huy động lực lượng công an và quân đội tham gia cách ly tập trung ngay từ những ngày đầu. Đó cũng là bài học rất lớn. Vì trước đây, trong các đợt phòng, chống dịch, chúng ta thường đi vào chuyên môn trước, sau đó mới huy động các lực lượng khác cùng tham gia. Điều đáng mừng là khi ban hành lệnh cách ly, người dân đã hết sức hợp tác với cơ quan chuyên môn và bình tĩnh thực hiện những yêu cầu của nhân viên y tế.

Đối với gia đình, người nhà của người mắc bệnh, chúng ta cho tiêu độc khử trùng, khóa niêm phong nhà, sau đúng thời gian cách ly mở cửa để người dân quay lại. Vì virus này có thể tồn tại trên bề mặt của các vật dụng khá dài và lây nhiễm qua bề mặt tiếp xúc rất lớn nên chúng ta đã áp dụng như vậy để bảo đảm an toàn cho người dân.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: TUẤN DŨNG

PV: Thưa Thứ trưởng, như vậy nếu có tình huống dịch xảy ra trên địa bàn khác, chúng ta có thế áp dụng biện pháp cách ly như đã từng thực hiện ở Sơn Lôi được không?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Về nguyên tắc chung thì sẽ thực hiện giống như ở Sơn Lôi. Nhưng trường hợp chỉ có một vài ca thì chúng ta có thể cách ly ở một không gian hẹp hơn, tạo ra nhiều vòng cách ly, nhằm bảo vệ những người dân ở các vị trí xung quanh, tránh ảnh hưởng tới đời sống của người dân ở những khu vực đó. Tuy nhiên, đối với từng địa bàn như: Đô thị, miền núi... chúng ta sẽ có những điều chỉnh về mặt thực tiễn để phù hợp với địa phương. Tôi lấy ví dụ như ở Hà Nội, hiện nay đã ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta chuẩn bị sẵn tất cả cơ sở vật chất, đặc biệt trong điều trị để làm tốt vấn đề điều trị, tránh và không để trường hợp tử vong do Covid-19 gây ra. Hiện nay, trong vấn đề về kiểm soát dịch của Hà Nội và kiểm soát đặc biệt với trường hợp này thì chúng ta đã khoanh vùng toàn bộ với những người tiếp xúc với trường hợp này. Do đó, chúng ta đang kiểm soát vấn đề này khá chặt chẽ. Chúng tôi đã triển khai tất cả các biện pháp và đã lấy mẫu tất cả các trường hợp cách ly trên địa bàn TP Hà Nội để xét nghiệm. Chúng tôi mong người dân yên tâm phối hợp và hỗ trợ cùng với cơ quan chuyên môn để thực hiện việc này. Không nên quá hoang mang, quá lo lắng, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp của các cơ quan chuyên môn trong vấn đề triển khai thực hiện. Người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Chúng ta phải áp dụng theo từng bối cảnh, diễn biến, từng trường hợp cụ thể. Ngay thời điểm này, chúng ta cũng đã khoanh vùng cách ly, xác định đối tượng cách ly và tiến hành phun tiêu trùng khử khuẩn.

PV: Ông có nhận định gì về tình hình và diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay Covid-19 đã lan ra hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Đây thực sự là điều đáng quan ngại đối với tất cả những quốc gia đang phải đối mặt với dịch. Chúng ta cho rằng, đây chính là điều mà những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng lo lắng, luôn phải tìm biện pháp ứng phó chống dịch trong những tình huống phát sinh. Ngay tại Việt Nam, ngành y tế vẫn luôn sẵn sàng, luôn ở trong tình huống đã có ca nhiềm mới để chủ động, đủ tâm thế đối phó, đây mới là điều quan trọng.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng đã đưa ra phương án trong tình huống xấu; đó là xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng sẽ ứng phó như thế nào. Bộ Y tế cũng mới đưa Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 vào hoạt động với sự kỳ vọng và quyết tâm đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình huống xấu, ghi nhận nhiều ca bệnh. Trung tâm sẽ hỗ trợ về chuyên môn, đặc biệt là hồi sức cấp cứu. Hiện nay, đã có 22 bệnh viện chủ chốt giao ban phòng chống dịch thông qua trung tâm này. Tại đây, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có thể trực tiếp nhìn thấy bệnh nhân, nắm rõ được diễn biến ca bệnh và sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là diễn biến về hô hấp, tim mạch, các vấn đề khác để hỗ trợ và chỉ định kịp thời cho các cơ sở y tế khi số lượng bác sĩ hồi sức không đủ nếu dịch bệnh gia tăng. Một vấn đề nữa là bài học nhìn từ Trung Quốc đã ghi nhận hơn 3.000 bác sĩ bị lây nhiễm chéo Covid-19, vì thời gian người chăm sóc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh càng nhiều thì tỷ lệ lây bệnh càng cao. Do đó, Trung tâm này ra đời cũng giải quyết được việc giúp các nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

DIỆP CHÂU (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/cach-ly-triet-de-se-khong-de-dich-co-co-hoi-xam-nhap-vao-cong-dong-611731