Cách loại bỏ độc tố trong măng nhanh chóng

Măng tươi gây ngộ độc nếu không được chế biến đúng cách.

Măng đem lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên việc chế biến măng không đúng cách có thể gây tình trạng ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, nôn mửa... thậm chí là hôn mê.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Về bản chất trong măng tươi có hàm lượng HCN (acid cyanhydric) cao, chất này gây hại cho cơ thể. HCN gây ra nhiễm độc cấp tính chứ không gây ra nhiễm độc trường diễn, tức là nó phản ứng độc tố sau khi ăn vài giờ, có khi vài chục phút, tuy nhiên nếu ăn số lượng rất nhỏ hàm lượng HCN trong măng thì cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài”.

Và tùy vào từng loại mà hàm lượng HCN trong từng củ măng khác nhau. Theo tài liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, khoảng 100 g măng tươi chưa luộc có 32-38 mg HCN. Ở măng đã luộc kỹ (đổ nước), lượng chất này còn 2,7 mg, ở măng tươi ngâm chua là 2,2 mg, ở nước luộc măng là 10 mg. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở...

Sơ chế đúng cách sẽ giúp tránh tình trạng ngộ độc măng. Ảnh: Internet

Sơ chế đúng cách sẽ giúp tránh tình trạng ngộ độc măng. Ảnh: Internet

Theo PGS Thịnh, dù trong măng có chất độc nhưng rất dễ xử lý, do đó chúng ta không cần quá lo ngại khi thưởng thức món ăn. "Măng tươi khi mua về bóc lớp vỏ ngoài, rồi thái lát ngâm trong nước sạch thật lâu, rồi rửa lại nhiều lần. Hoặc chúng ta có thể bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại 2-3 lần rồi xả lại bằng nước sạch để loại bỏ được hàm lượng HCN. Bởi lẽ HCN rất dễ hòa tan trong nước và dễ dàng bị bay hơi khi đun nóng. Kể cả măng khô chúng ta cũng nên luộc để loại bỏ được cả những chất bẩn, mốc trong quá trình bảo quản, chế biến” - PGS-TS Duy Thịnh cho biết.

Ngoài ra, theo nongnghiep.vn, với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở nắp cho chất độc bay hơi. Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng. Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt.

Theo Newsmedical, măng tươi dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng một số người không thích hợp để ăn. Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em và những người đang mắc một số bệnh sau cần cẩn trọng hoặc tránh dùng măng.

Sỏi thận

Măng chứa nhiều acid oxalic có thể dễ dàng kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành acid oxalic canxi dẫn đến sỏi thận đường tiết niệu. Do vậy người bị bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều măng tươi.

Viêm loét dạ dày, tá tràng

Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tá tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Trẻ em

Acid oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Do vậy trẻ em đang trong giai đoạn phát triển không nên ăn loại thực phẩm này để tránh bị thiếu canxi, kẽm dẫn đến chậm phát triển.

THU HÀ

Nguồn PLO: http://plo.vn/an-sach-song-khoe/cach-loai-bo-doc-to-trong-mang-nhanh-chong-782367.html