Cách làm mới để có sự phát triển mới

Vĩnh Phúc đã là một trong những tỉnh hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất, nhờ đó GDP của tỉnh đã gấp 300 lần so với 20 năm trước. Nhưng từ 10 năm trước, tỉnh đã nhận thấy nếu cứ tiếp tục thu hút FDI theo số lượng thì kinh tế sẽ không ổn định.

Ông Lê Duy Thành

Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với Thời báo Ngân hàng về vấn đề này.

Nhìn lại 30 năm thu hút FDI, Vĩnh Phúc đứng trong top đầu những tỉnh hấp dẫn FDI nhất. Vậy tỉnh đã thu được gì từ FDI, thưa ông?

Có một điều chúng tôi rất tự hào là khi sang Mỹ, đi mua quần áo thì thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc. Một sản phẩm khác là ghế ô tô thì toàn bộ chi tiết ghế xe đều sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ. Nhờ các DN FDI xuất khẩu mà sản phẩm “Made in Viet Nam” sản xuất tại Vĩnh Phúc đã có mặt tại 20 nước trên thế giới.

Hiện ở Vĩnh Phúc đang có 253 dự án FDI với nhà đầu tư đến từ 16 quốc gia, với tổng vốn đăng ký 3,7 tỷ USD, bình quân 14,6 triệu USD/dự án, suất đầu tư trung bình 3,66 triệu USD/ha. Có 185 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh với số vốn thực hiện ước đạt 62% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Khu vực FDI có vai trò rất lớn, rất quan trọng, là động lực cho phát triển, lan tỏa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. FDI là yếu tố quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách, tác động trực tiếp, tăng tổng vốn đầu tư xã hội. Năm 1997 ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc chỉ vỏn vẹn 33.000 tỷ đồng, sau 20 năm, đến năm 2016, đã tăng gấp 300 lần, lên con số 100.000 tỷ đồng.

FDI cũng là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng quản lý, công nghệ marketing hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Vĩnh Phúc là 1 trong 5 tỉnh có số thu ngân sách 9 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô và xe máy. Như vậy kinh tế tỉnh cũng phần nào bị động vì DN FDI?

Các dự án FDI đã đóng góp với kinh tế tỉnh rất nhiều, Vĩnh Phúc có lợi thế với 2 DN ô tô lớn, sản xuất thành phẩm là Toyota và Honda, đã góp phần tạo hiệu ứng tốt để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh, trong vùng. Nhưng khu vực FDI là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô.

Một số DN trong tỉnh, cả Toyota và Honda đã chịu tác động tiêu cực từ chính sách đối với ngành sản xuất ô tô, xe máy… làm giảm rất lớn số thu ngân sách, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng đó, cơ cấu theo ngành, lĩnh vực của FDI trên địa bàn tỉnh còn chưa thực sự hợp lý, khi tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp rất lớn, chiếm 80% về vốn đầu tư, trong khi ngành dịch vụ chỉ chiếm 16,7%, nông nghiệp chiếm 3,3%.

Chúng tôi đã nhìn thấy điều này, đã xác định rằng nếu cứ tiếp tục thu hút FDI theo cách cũ và nếu chỉ DN FDI phát triển thì nền kinh tế không ổn định. Chúng tôi xác định rằng nếu nhà đầu tư đóng được 1 tỷ đồng tiền thuế thì họ đã bỏ túi 4 tỷ đồng và sẽ được mang về chính quốc.

Vì thế, những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong nước. Cách đây 10 năm Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 04 về hỗ trợ phát triển DN trong tỉnh. Chúng tôi đã nỗ lực tạo điều kiện cho DN nội địa phát triển, kết nối với DN FDI, hướng đến không để phụ thuộc vào FDI. Đến nay, DN của Vĩnh Phúc cũng bắt đầu bắt nhịp được và đã có sự quyết tâm.

Trước đây, cùng lắm chỉ có một vài nhà cung cấp cho DN FDI nhưng mới ở mức độ thấp, đến nay đã có nhiều DN là nhà cung ứng cấp I cho Honda, cho Toyota, và đang có 20 người Nhật Bản đang làm thuê cho DN này. Kinh nghiệm, công nghệ của DN Việt Nam đã có những thay đổi. Năm 1997, 100% số người đóng thuế thu nhập cá nhân trong tỉnh là người nước ngoài. Nhưng đến nay, 40% số người nộp thuế thu nhập cá nhân ở Vĩnh Phúc là người Việt Nam.

Và Vĩnh Phúc sẽ làm như thế nào để thu hút đầu tư như mong muốn, thưa ông?

Chúng tôi hy vọng rằng, sẽ có những chính sách, cách làm mới để có sự phát triển mới. Chúng tôi sẽ nỗ lực tạo môi trường phát triển mối liên kết giữa DN FDI với DN trong tỉnh, hỗ trợ các DN trong tỉnh phát triển, thu hút DN trong nước đầu tư tại tỉnh, hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ phát triển các startup tiềm năng...

Để DN Việt tham gia được vào chuỗi cùng DN FDI, liên tục những năm gần đây, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết số 35, số 19 của Chính phủ và Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy. Hàng tuần, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN; tiếp tục giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Đến hết tháng 9/2017, số DN đăng ký trên địa bàn là 8.325 DN với số vốn đăng ký đạt trên 69 nghìn tỷ đồng. Mới đây, ngày 13/10/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định về hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với rất nhiều khoản như: hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ DN tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn chuyển giao công nghệ…

Chúng tôi cũng liên tục cải cách đổi mới để thu hút đầu tư, hấp dẫn FDI nhiều hơn nhưng với một định hướng mới, yêu cầu mới. Đó là chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, lựa chọn các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Vĩnh Phúc cũng muốn thu hút thêm đầu tư vào phát triển hạ tầng KCN, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế, các ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo.

Xin cảm ơn ông!

Tri Nhân thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cach-lam-moi-de-co-su-phat-trien-moi-70038.html