Cách làm lồng bè cá bằng inox chống lũ 'cực hay' ở vùng ven sông

Trong khi những cơn lũ lớn ập đến cuốn phăng hàng trăm tấn cá, hàng nghìn lồng bè, thiệt hại hàng tỷ đồng, thì người dân khu dân cư số 9, thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, có một cách nuôi cá lồng bè chống lũ độc đáo. Do đó trong mùa mưa lũ vừa qua, các lồng bè cá tại đây vẫn an toàn và cá đang phát triển đến kỳ thu hoạch.

Cách làm lồng bè cá chống lũ cực hay

Cách làm lồng bè cá chống lũ cực hay

Tại khu dân cư số 9, thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi từ hơn chục năm nay, mỗi mùa mưa lũ kéo đến, nước sông Trà Khúc có lúc dâng cao đến mức báo động 3, thì người nuôi cá lồng bè ở vùng sông này vẫn an toàn, thiệt hại không đáng kể.

Bí quyết chính là người dân nơi đây đã truyền tai nhau cách làm lồng bè cá chống lũ “độc đáo” do chính người nuôi cá nghĩ ra.

Ông Trần Kim Sanh với mô hình nuôi cá lồng bè bằng inox ở sông Trà Khúc. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Trần Kim Sanh, trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè trên sông Trà Khúc, bắt đầu nuôi cá từ những năm 1993, mỗi năm mưa lũ, nước sông chảy siết, ông Sanh dần đúc kết kinh nghiệm nuôi cá ứng phó lũ sông.

Ông cho biết: “Những năm đầu, tôi dùng tre nguyên cây để làm lồng bè nhưng cứ nước sông dâng cao, thì tre bị đứt gãy, cuốn trôi. Rồi tôi chuyển qua làm bè bằng gỗ nhưng cũng không được. Thiệt hại nặng nề, cá chết. Nhưng trong gần 10 năm trở lại đây, tôi nghĩ ra cách thay thế tre, gỗ bằng inox”.

Lồng bè được làm bằng inox nhưng phía trên lồng bè được kết bằng tre và ván gỗ, người dân sử dụng thuyền để gia cố bè. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các khung inox làm lồng bè cá với kích thước nhỏ, gọn, có thể tích chứa 12m3 nước, mật độ thả 500 con. Sau phần khung chữ nhật kiên cố, ông Sanh tiếp tục mua thêm những tấm inox đã được khoan sẵn nhiều lỗ nhỏ li ti để nước sông tràn vào bên trong lồng, tạo ôxy cho cá thở lắp ghép lại. Phía trên lồng cá, ông dùng tre ván ghép nối lại để bè nổi lên mặt nước và bỏ thức ăn cho cá.

Đặc điểm của lồng bè inox là dù mưa lũ, cá không bị trôi ra ngoài sông, khi dòng sông chảy siết, nhờ có các lỗ nhỏ li ti, nước trong lồng cũng hạn chế dao động, ổn định nhiệt độ. Ngoài ra, ông Sanh cũng kéo dây neo giữ lồng cá vào tận nhà, khi nước sông dâng đến đâu, dây neo kéo giữ đến đó, lồng không bị trôi.

Mỗi lồng bè như thế này, ông Sanh đầu tư gần 25 triệu đồng. Tuy nhiên, lồng inox được sử dụng lâu dài, không bị gỉ sắt. Lồng inox này ông đã sử dụng được gần 10 năm.

Một lồng bè cá inox trên sông Trà Khúc. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Kinh nghiệm chọn cá nuôi ở các vùng xảy ra lũ sông, ông Sanh chọn nuôi cá chình, loại cá này sống chủ yếu dưới tầng đáy, không bị sốc nước, tỷ lệ sống cao, trong khi đó, cá trắm cỏ, chủ yếu sống ở tầng nổi, dễ bị chết hơn.

Hiện, ông Sanh đang nuôi 500 con cá chình, thời gian nuôi 12 tháng. Sắp đến kỳ thu hoạch, cá đạt trọng lượng 5kg - 6kg/con, giá bán bình quân 450.000 đồng/kg, giá cá trắm cỏ khoảng 100.000 đồng/kg.

Các lồng bè cá nuôi gần nhau, cột dây neo vào sát bờ để giữ bè cá không trôi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một số hộ nuôi khác như ông Trần Văn Nhân cũng làm 2 lồng bè bằng inox, thả nuôi 1.000 con cá trắm cỏ; ông Trần Ngon đang nuôi 2 lồng cá chình gần 5 năm nay, cũng bằng lồng inox.

Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè có 38 thành viên, đều thả lồng bè gần nhau để có thể dễ dàng thông báo cho nhau khi có mưa lũ và chèn chống lồng bè khi gặp sự cố.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cach-lam-long-be-ca-bang-inox-chong-lu-cuc-hay-o-vung-ven-song-486180.html