Cách làm của Ðảng bộ TP Hà Nội

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở, nhiều cấp ủy, chính quyền của TP Hà Nội vừa tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, mới nảy sinh, vừa quyết liệt xử lý những việc tồn đọng. Cùng với đó là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Ðây là những giải pháp quan trọng, hiệu quả trong việc ngăn chặn và loại bỏ 'tư duy nhiệm kỳ' của Ðảng bộ TP Hà Nội.

Bài 1: Giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm

Loại bỏ tư duy “dễ làm, khó bỏ”, trong nhiệm kỳ này, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc để giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp, trong đó quy rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu. Nhờ đó, nhiều vụ việc nổi cộm trên địa bàn Thủ đô được giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành điểm nóng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Có dịp trở lại thôn 3, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) những ngày này, mọi người đều ấn tượng với không gian khang trang tại khu vực ao Trạ. Khu ao rộng hàng chục nghìn mét vuông này từng được coi là “đầm chết”, bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân chung quanh. Trước thực trạng ấy, năm 2016, sau khi được cấp ủy, chính quyền vận động, người dân nơi đây đã cùng nhau bàn thảo, đóng góp công sức, tiền của để nạo vét, kè cứng, làm đường ven bờ, rãnh thoát nước, xây bồn hoa, trồng cây xanh chung quanh ao, tạo cảnh quan mới sạch, đẹp hơn.

Cũng với cách làm ấy, hàng loạt ao hồ trên địa bàn Thanh Trì đã được cải tạo, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường để huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ riêng năm 2018, huyện đã cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm sạch nguồn nước ao Tàu (thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai); ao Ðình (thôn Vĩnh Trung, xã Ðại Áng); ao Hổm và ao Ðình (xã Ngọc Hồi) với tổng diện tích 1.537 m2, kinh phí gần 2,3 tỷ đồng, trong đó có 70% là từ nguồn vốn xã hội hóa. Hiện nay, các xã: Vĩnh Quỳnh, Ðại Áng, Tả Thanh Oai tiếp tục cải tạo, nạo vét, kè bờ các ao, hồ với tổng diện tích gần 15.800 m2…

Ðể có được kết quả này, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, cụ thể hóa mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU và Kế hoạch số 141/KH-UBND. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, bên cạnh làm sạch hạng mục ao, hồ, huyện còn phát động nhân dân các xã xây dựng những tuyến “đường hoa”. Ðến nay, huyện đã tổ chức được chín tuyến “đường hoa”, làm đẹp đường làng, ngõ xóm và các trục đường chính liên xã. Ngoài ra, gần 10 km sông Tô Lịch chảy qua địa bàn huyện đã được cải tạo, khơi thông dòng chảy, giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Trong quá trình triển khai, đã có 370 hộ dân lấn chiếm bờ sông xây dựng nhà ở kiên cố hàng chục năm nay tự giác tháo dỡ để mở rộng đường giao thông, tạo cảnh quan môi trường.

Tại quận Ðống Ða, bên cạnh nhiệm vụ giữ vững vị trí trong nhóm tốp đầu của thành phố về thu ngân sách, quận tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hạ tầng trên địa bàn. Không “khoán trắng” công việc cho chính quyền, cấp ủy cùng vào cuộc quyết liệt. Với các dự án trọng điểm, các đồng chí Thường trực Quận ủy trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, nghe kiểm điểm tiến độ theo tuần, trực tiếp đối thoại với người dân, để có chỉ đạo cụ thể tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc nếu có. Cả hệ thống chính trị từ quận, phường đến cơ sở cùng vào cuộc vận động, tuyên truyền trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Phó Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp này, cho nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, quận Ðống Ða đã giải quyết được nhiều việc khó, xử lý dứt điểm nhiều vướng mắc tồn tại nhiều năm qua gây bức xúc dư luận. Ðến nay, quận đã hoàn thành GPMB đường Vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng); cơ bản hoàn thành dự án hồ Ba Mẫu, dự án Trường mầm non Hoa Mai, Nhà văn hóa quận. Một dự án khác là cải tạo hồ Linh Quang đã kéo dài 15 năm, quận phấn đấu giải phóng mặt bằng xong trong năm nay. “Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng quận quyết tâm rất cao để hoàn thành các dự án trong thời gian sớm nhất với mong muốn cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh hơn”, đồng chí Nguyễn Hoàng Giáp nói.

Tập trung giải quyết những vấn đề khó

Cũng với tinh thần khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”, nhiều việc khó, tồn đọng hoặc vốn được “ấp ủ” từ nhiều năm trước, đến nhiệm kỳ này đã được các cấp, các ngành của TP Hà Nội cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện. Như việc ban hành hai Bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và công sở; xây dựng Ðề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo cho nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, chuyên canh trên quy mô lớn. Hay thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm quyền lợi người dân, hạn chế tranh chấp, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông cho biết, trước đây, công tác quản lý đất đai và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố có nhiều vướng mắc. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý đất đai và nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân; chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thủ tục hành chính còn phức tạp.

Trước tình hình ấy, ngày 1-9-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội” với mục tiêu đến cuối tháng 6-2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Thành ủy chỉ rõ địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch được giao, thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.

Thực tế khi mới triển khai, không ít nơi khá “đủng đỉnh” vì cho rằng đây là nhiệm vụ “bất khả thi”, bởi vấn đề này đã kéo dài rất nhiều năm. Ban Chỉ đạo thành phố phải họp kiểm điểm, “thúc” tiến độ theo từng tuần, từng tháng, thậm chí gay gắt nêu rõ những địa chỉ chưa làm hết trách nhiệm và yêu cầu phải có giải pháp khắc phục ngay. Ở các quận, huyện, điều này cũng được thực hiện quyết liệt, xuyên suốt. Nhờ đó, đến tháng 6-2017, cơ bản những thửa đất đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận. Riêng cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, thành phố đã cấp được 617.964 giấy, đạt 99,21%, qua đó tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ðối với những hạn chế trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2019 hoàn thành Dự án Tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND thành phố phê duyệt, để làm cơ sở kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp còn lại. Ðồng thời, tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận. Ðây sẽ là những căn cứ quan trọng để thành phố thực hiện công tác quản lý đất đai hiệu quả hơn, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm này.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41267802-cach-lam-cua-%C3%B0ang-bo-tp-ha-noi.html