Cách khắc phục tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ

Các gia đình thành phố có kiến thức nhiều hơn, đủ khả năng mua cá, thịt, thậm chí các loại thuốc bổ sung cho trẻ uống, nhưng các em ở thành phố lại bị thiếu vitamin D nhiều hơn ở nông thôn.

Thiếu vitamin D có thể dẫn đến nhiều căn bệnh ở trẻ. Ảnh minh họa

Thiếu vitamin D có thể dẫn đến nhiều căn bệnh ở trẻ. Ảnh minh họa

Bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết, vitamin D là một chất rất quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể, nhưng có tới 49,8 - 58,3% trẻ em tuổi tiểu học của TPHCM thiếu vitamin D.

Trong khi tỉ lệ này ở trẻ em tuổi tiểu học tại nông thôn là 46,6 - 46,7%, nghĩa là trẻ em ở TP thiếu vitamin D hơn trẻ em nông thôn.

Nguyên nhân là do trẻ em ở TP luôn được ở trong nhà. TP có nhiều nhà cao tầng nên có nhiều kính, trẻ phơi nắng qua kính không chuyển hóa được tiền vitamin D trong cơ thể thành vitamin D.

Giúp trẻ hấp thụ vitamin D

Tạp chí Y khoa JAMA Pediatrics từng công bố, các phụ huynh và người chăm sóc nên biết 3 cách cần thiết giúp trẻ em bổ sung vitamin D.

Mặc dù không ít người hiểu rõ tầm quan trọng của canxi và vitamin D trong việc xây dựng bộ xương khỏe mạnh, nhưng không phải ai cũng biết rằng, canxi chỉ được hấp thụ khi có vitamin D.

“Vitamin D đôi khi bị hiểu lầm và đánh giá thấp. Đặc biệt là khi nó hoạt động như một đối tác thầm lặng với canxi”, Tiến sĩ Megan Moreno thuộc Trường Y khoa và Y tế Công cộng Đại học Wisconsin ở Madison (Mỹ) và là người thực hiện nghiên cứu, cho biết.

Theo đó, dựa trên các khuyến nghị do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra, tài liệu của chuyên gia này nhấn mạnh những cách tốt nhất để trẻ em có được vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng.

Các hướng dẫn hiện hành khuyến nghị rằng, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng được bổ sung 400 IU (10mcg) vitamin D mỗi ngày từ tất cả các nguồn.

Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên cần nhận được 600 IU (15mcg) vitamin D hằng ngày. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc một phần, phụ huynh được khuyến cáo bổ sung vitamin D mỗi ngày đến khi trẻ cai sữa mẹ.

Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt trời, da sản sinh vitamin D hoạt động dưới dạng lưu thông trong máu. Số lượng sản xuất phụ thuộc vào thời gian trong ngày, mùa, vĩ độ, lượng da tiếp xúc và sắc tố da của cá nhân. Ở một số địa điểm, việc sản xuất vitamin D nhờ Mặt trời có thể giảm hoặc không có trong những tháng mùa đông.

Chống nắng là điều cần thiết để bảo vệ làn da của trẻ khỏi cháy nắng và nguy cơ ung thư da. Tuy nhiên, kem chống nắng có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ vitamin D. Theo Tiến sĩ Moreno, hầu hết trẻ em tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả khi được bảo vệ kỹ càng.

Lựa chọn thứ ba, các phụ huynh có thể đưa ra để bổ sung vitamin D cho trẻ là dùng thực phẩm chức năng. Mặc dù vitamin tổng hợp hằng ngày không được khuyến nghị cần thiết cho trẻ em, nhưng việc bổ sung vitamin D có thể hỗ trợ những người không hấp thụ được qua thức ăn hoặc tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời. Những thực phẩm chức năng này thường được sản xuất dưới dạng chất lỏng, thuốc nhai hoặc thuốc viên.

“Việc cân bằng các khuyến nghị về sức khỏe có thể thực sự khó khăn đối với nhiều gia đình. Chúng tôi cung cấp những kiến thức này để phụ huynh có thể nhận được thông tin tốt nhất và từ đó đưa ra lựa chọn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh

Các nghiên cứu gần đây về vitamin D đã cho thấy lợi ích sức khỏe lâu dài của chất này, đặc biệt là đối với hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học hiện nghiên cứu vai trò của vitamin D trong các bệnh tự miễn dịch, bao gồm bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Cụ thể, Tiến sĩ Majid Aminzadeh thuộc Đại học Khoa học Y tế Ahvaz Jundishapur ở Iran, người không liên quan đến nghiên cứu này cho biết, mức vitamin D thấp hơn ở trẻ em có thể là một yếu tố gây bệnh tiểu đường.

“Bên cạnh vai trò trong việc cân bằng nội môi canxi, vitamin D còn có tác dụng quan trọng trong điều hòa miễn dịch”, Tiến sĩ Aminzadeh - nhà nội tiết nhi khoa và là người từng công bố một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiểu đường và tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em, chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này nhận định, vai trò của vitamin D đối với các bệnh tự miễn dịch như tiểu đường loại 1 vẫn là vấn đề đang được thảo luận.

Thiếu vitamin D cũng có thể dẫn đến mềm xương ở trẻ em. Ngoài ra, việc thiếu vitamin D có thể dẫn đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khác, được gọi là còi xương, khiến chân trẻ bị vòng kiềng.
Do đó, Tiến sĩ Moreno khuyến cáo, các phụ huynh không chắc liệu con mình có đủ vitamin D hay không, cần trao đổi với bác sĩ nhi khoa.

“Vitamin D đã trở thành một chủ đề phổ biến hơn và là một bức tranh toàn cảnh mà chúng ta thảo luận trong các tình huống lâm sàng. Lời khuyên có thể trở nên khó khăn, vì vậy điều quan trọng là mọi người phải hiểu rõ các đề xuất”, TS Moreno gợi ý.

Các nghiên cứu trên trẻ em Đông Nam Á và thanh thiếu niên ở châu Phi, châu Mỹ cho thấy, chế độ ăn nghèo canxi sẽ làm tăng dị hóa vitamin D, thiếu vitamin D và còi xương.

Những năm gần đây, thiếu vitamin D được quan tâm nhiều ở châu Á do tỷ lệ còi xương và loãng xương tăng ở nhiều quốc gia. Còi xương và loãng xương là hiện tượng phổ biến ngay cả ở những nước có nhiều ánh nắng Mặt trời như Hồng Kông, Malaysia, Indonesia…

Nghiên cứu ở Pakistan và Ấn Độ đã cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh và các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ rất cao. Tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất ở Mông Cổ và Trung Quốc.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cach-khac-phuc-tinh-trang-thieu-vitamin-d-o-tre-mRlCowfGR.html