Cách Israel đuổi thường dân ra ngoài trước khi đánh sập các tòa nhà tại dải Gaza

Tel Aviv sẽ gọi điện cảnh báo cho chủ các tòa nhà mục tiêu tại dải Gaza để mọi người di dời, nếu họ không chịu di tản, không quân Israel sẽ bắn một quả tên lửa nhỏ lên nóc nhà đủ gây ra sự rung lắc mạnh buộc mọi người dù không muốn cũng phải rời khỏi tòa nhà.

Đã có hàng chục tòa cao ốc bị Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đánh sập tại dải Gaza kể từ khi xung đột với nhóm Hamas leo thang.

Không quân Israel sử dụng vũ khí công nghệ cao, trong đó có tên lửa và bom thông minh GBU-31 JDAM trang bị cho các chiến đấu cơ F-15I và F-16I để đánh sập các tòa nhà này.

Đôi khi không quân Israel kết hợp cả bom thông minh và tên lửa để đánh phá mục tiêu.

Chỉ cần khoảng ba quả bom thông minh GBU-31 hoặc số lượng tên lửa không đối đất tương đương để đánh sập hoàn toàn tòa nhà cao hàng chục tầng.

Tuy đánh sập những tòa nhà cao ốc to lớn, nhưng thiệt hại về nhân mạng lại rất nhỏ, thậm chí có những cuộc không kích đánh sập tòa nhà 13 tầng nhưng không có thiệt hại về nhân mạng thường dân.

Trước khi tiến hành chiến dịch không kích trả đũa, các cơ quan tình báo của Israel biết rằng họ phải điều chỉnh để thích ứng với những diễn biến thay đổi liên tục tại dải Gaza.

Mặc dù có thể sử dụng gián điệp và cảm biến điện tử để xác định mục tiêu nhưng họ sẽ không thể biết điều gì đang xảy ra bên trong một mục tiêu cụ thể ở thời gian thực.

IDF cho rằng lực lượng Hamas đang cất trữ vũ khí trong các tòa chung cư, trường học, Nhà thờ Hồi giáo và bệnh viện. Nếu chiến tranh nổ ra, Israel phải tìm cách tấn công các mục tiêu này nhưng đồng thời giảm thiểu thương vong cho dân thường và thiệt hại không mong muốn.

Nhận ra thách thức này, cơ quan an ninh nội bộ Israel (Shin Bet) vào năm 2008 đã tìm và lập danh sách điện thoại của các chủ sở hữu các căn nhà ở, tòa nhà văn phòng, bệnh viện trên khắp Dải Gaza.

IDF xác định về cơ bản có hai loại mục tiêu. Đầu tiên là các "phần tử khủng bố": Những người Palestine đang tiến hành hoặc lên kế hoạch cho một cuộc tấn công. Những đối tượng này sẽ không nhận được cảnh báo trước khi bị IDF tấn công. Để thực hiện chiến dịch thành công, Israel cần phải giữ được yếu tố bất ngờ.

Mục tiêu thứ hai là các ngôi nhà, tòa chung cư, tòa nhà văn phòng, nhà thờ Hồi giáo và các tòa nhà nhân sự khác, nơi bị cho là để phong trào Hamas và tổ chức Hồi giáo Jihad cất trữ vũ khí, thiết lập các chốt chỉ huy hoặc sử dụng làm vỏ bọc để che giấu một đường hầm "khủng bố" xuyên biên giới.

Người trong các tòa nhà này sẽ nhận được điện thoại cảnh báo để rời đi trước khi cuộc tấn công diễn ra.

Với mọi tình huống, máy bay không người lái (UAV) của Israel đều được triển khai để theo dõi những gì đang xảy ra bên trong các tòa nhà và những khu vực lân cận.

Trung tâm chỉ huy IDF sẽ đếm số người đã rời đi, đảm bảo số lượng phù hợp với thông tin tình báo mà họ nhận được, sau đó họ sẽ cung cấp dữ liệu để Không quân Israel bật đèn xanh cho phi công chiến đấu hoặc trực thăng tấn công của họ thả bom.

Trong một số trường hợp, người Palestine cáo buộc máy bay không người lái của Israel được sử dụng để phóng tên lửa, mặc dù Tel Aviv chưa bao giờ xác nhận rằng họ có UAV tấn công.

Loại bom được IDF sử dụng đã được lựa chọn tùy theo mục tiêu. Nếu đó là nhà riêng với kho vũ khí dưới tầng hầm, quả bom cần phải có khả năng xuyên qua mái nhà và các tầng khác, chỉ phát nổ khi chạm tới tầng hầm.

Nếu mục tiêu ở tầng hai, đó phải là loại bom có thể phóng qua cửa sổ và chỉ phá hủy tầng hai chứ không gây thiệt hại quá nhiều ra xung quanh.

Mức độ thành công thường được đo bằng các vụ nổ thứ cấp – gây ra bởi lượng thuốc nổ được giấu phía dưới căn nhà.

Thông thường khi người dân nhận được cảnh báo từ phía Israel, họ sẽ nhanh chóng rời đi, tuy nhiên có một vụ, người Palestine – chủ sở hữu căn nhà 2 tầng, nơi được xác định là trung tâm cất trữ vũ khí của Hamas, nói với sĩ quan tình báo Israel rằng ông ta sẽ không rời đi.

Nhiều người Palestine cũng đồng quan điểm với người đàn ông kể trên khi nhận ra rằng ra khỏi nhà có thể đồng nghĩa với việc không còn nhà để về nữa.

Bởi lẽ ngay lập tức nơi họ cư ngụ bấy lâu sẽ bị không quân Israel oanh kích và san phẳng.

Gia đình người đàn ông Palestine chủ căn nhà hai tầng đã trèo lên mái nhà, nơi ông biết có UAV của Israel đang lượn quanh theo dõi, và thực hiện những cử chỉ cho biết ông sẽ không chấp nhận việc rời khỏi nhà.

Bất đồng đã nổ ra bên trong trung tâm chỉ huy của Israel. Một số sĩ quan cho rằng Tel Aviv cần phải xúc tiến vụ tấn công, một số khác phản đối do trong nhà vẫn còn dân thường.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam của Israel nhận được thông tin, và vấn đề này còn được trình lên cả Tham mưu trưởng IDF. Cả hai vị nhất trí rằng cuộc tấn công không thể được tiến hành vào hôm đó khi chưa giải quyết được vấn đề dân thường không chịu rời khỏi nhà.

Ngày hôm sau người đàn ông Palestine vẫn tiếp tục trụ vững tại ngôi nhà của mình không chịu rời đi bất chấp cảnh báo tiếp tục từ phía Israel, và các UAV bay quần vòng trên đầu nhà ông này. Cuối cùng các chỉ huy tại Trung tâm tấn công của Israel đành chịu thua.

Tuy nhiên thời điểm xung đột hiện tại đã khác, Israel vẫn sử dụng chiến thuật cảnh báo người dân rời đi trước khi họ tấn công.

Với những trường hợp không chịu rời khỏi tòa nhà, Israel có kế sách mới khiến muốn dù không họ vẫn phải rời bỏ ngôi nhà của mình.

Đầu tiên là những cảnh báo liên tục được phát đi bằng cách gọi vào điện thoại chủ nhân của các tòa nhà, cùng với đó là loạt tin nhắn gửi tới những người liên quan. Sau đó các UAV tiếp tục quần đảo xung quanh tòa nhà.

Tiếp đó một quả tên lửa nhỏ với lượng thuốc nổ vừa phải được UAV phóng thẳng vào nóc tòa nhà, vụ nổ không gây nên những thiệt hại lớn nhưng lại làm tòa nhà rung lắc mạnh, gây tâm lý hoang mang hoảng sợ cho những người cư ngụ bên trong buộc họ phải tháo chạy.

Cuối cùng là tên lửa và bom chính xác từ các chiến đấu cơ F-15I và F-16I đánh thẳng vào chân móng và phá sập toàn bộ tòa nhà. Hiện tại căng thẳng giữa Israel và Palestine vẫn tiếp tục leo thang.

Israel cho biết Hamas phóng hơn 3.100 quả rocket nhằm vào lãnh thổ nước này, mật độ hỏa lực lớn chưa từng có. Ít nhất 10 người Israel đã thiệt mạng trong các đòn tập kích rocket của Hamas.

Quân đội Israel cũng tiến hành hàng trăm vụ không kích tại Dải Gaza để trả đũa khiến cho 197 thường dân thiệt mạng trong 7 ngày qua. Cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và nhanh chóng có một thỏa thuận hòa bình.

"Có lẽ bi kịch lớn nhất trong cái chết của dân thường là họ sẽ trở thành phương tiện để những bên hiếu chiến thể hiện sức mạnh trước khi một lần nữa đồng ý ngừng bắn", Adil Haque, giáo sư chuyên môn luật quốc tế và xung đột vũ trang thuộc Trường Luật Rutgers (Mỹ) nhận định.

“Dân thường bị mắc kẹt giữa hai phía. Hamas muốn thể hiện mình có thể sống sót qua đòn đánh giết chóc của Israel, và Israel muốn tỏ ra mình là phía mạnh hơn”, giáo sư Haque nhận định. “Cả hai đều có thể dừng tay nếu muốn, nhưng không bên nào chịu dừng tay trước”.

Cái chết của dân thường ở hai bên trong xung đột Israel - Hamas đang đặt ra câu hỏi cấp bách về tính hợp pháp của hành động quân sự, tội ác chiến tranh và ai sẽ chịu trách nhiệm cho các cuộc xung đột đẫm máu tại đây.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-cach-israel-duoi-thuong-dan-ra-ngoai-truoc-khi-danh-sap-cac-toa-nha-tai-dai-gaza-post466917.antd