Cách hữu hiệu phòng chống và xử lý ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

Ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy chính là 'sát thủ' của những cuộc vui. Vì vậy, đừng để ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa làm phiền kỳ nghỉ Lễ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các món ăn độc hại, không đảm bảo, không được chế biến kỹ… Người bị ngộ độc thường có những biểu hiện sau: Đau bụng và tiêu chảy nhiều lần là một trong những biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm.

Tùy vào biểu hiện nặng - nhẹ mà ngộ độc thực phẩm có thể gây ra mức độ nguy hiểm khác nhau đến sức khỏe người bệnh.

Vào dịp nghỉ Lễ, khách du lịch do ăn uống tại các hàng quán, ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh... sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là tiêu chảy.

TS.BS. Lê Thị Tuyết chia sẻ trên báo SKĐS cho hay, một yếu tố khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm tăng cao vào dịp này, đó chính là thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển mạnh.

Bac sĩ Tuyết cũng lưu ý, khi đi du lịch, cần lựa chọn hàng quán sạch sẽ, vệ sinh, đồ ăn tươi ngon. Chọn lựa nguồn gốc thực phẩm rõ ràng (nhà hàng, khách sạn) là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Hạn chế ăn những đồ ăn lề đường, bán hàng rong.

Ngoài ra, để phòng mắc bệnh lây qua đường tiêu hóa, hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ...

Ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết.

Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải, khăn ăn, khăn tay,...

Biện pháp này sẽ phòng được nguy cơ lây truyền bệnh đường hô hấp, tay chân miệng đang rất phổ biến ở thời điểm giao mùa hiện nay.

Cách xử trí ngộ độc thực phẩm

Sở Y tế Nam Định đăng tải thông tin, đối với người bệnh có các triệu chứng nôn mửa sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần ngay lập tức khiến người bị ngộ độc nôn hết thức ăn trong bụng ra.

Có thể pha nước muối (2 thìa canh muối hòa tan trong 1 ly nước ấm) hoặc uống nhiều nước lọc, rồi dùng ngón tay trỏ ép vào gốc lưỡi, kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt.

Cần lưu ý khi thực hiện biện pháp này với trẻ nhỏ, tránh gây xây xước họng trẻ. Phải để trẻ gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi, dễ dẫn đến tử vong.

Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay thế bằng dung dinh nước muối loãng (pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước lọc).

Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

Khi người bị ngộ độc rơi vào tình trạng suy hô hấp, thở yếu cần liên tục hỗ trợ hô hấp bằng cách bóp bóng hoặc thổi ngạt. Đặc biệt khi có dấu hiệu ngừng tim phổi thì cần được hồi sinh tim phổi bằng thổi ngạt và ép tim.

Cần lưu ý đặt người bệnh nằm đầu thấp, nghiêng về một bên trong quá trình di chuyển tới bệnh viện đề phòng chất nôn sặc vào phổi, dẫn tới tử vong.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cach-huu-hieu-phong-chong-va-xu-ly-ngo-doc-thuc-pham-khi-di-du-lich-KTkplXuMR.html