Cách hóa giải số liệu trong các bài báo kinh tế

Với các phóng viên phụ trách mảng tài chính - ngân hàng, để bài viết không khô khan, có trọng lượng, thì rất cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế. Thế nhưng, mối quan hệ với chuyên gia kinh tế lại không dễ thiết lập, vì người có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực này vốn đã ít, người thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với phóng viên lại chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

Những con số khô khan luôn là thách thức với các phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng

Những con số khô khan luôn là thách thức với các phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng

Những con số không dễ… nhằn

Đối với đa phần các nhà báo, việc tốt nghiệp các trường đại học, học viện chuyên ngành Báo chí có thể coi là được “đào tạo bài bản”, có lợi thế khi bắt đầu vào nghề. Nhưng với phóng viên mảng tài chính - ngân hàng thì không hẳn thế, có kiến thức về các lĩnh vực chuyên ngành lại là lợi thế. Rất nhiều nhà báo giỏi trong mảng này lại tốt nghiệp các trường khối kinh tế, tài chính, ngân hàng… Bởi vì lĩnh vực tài chính - tiền tệ vốn rất nhạy cảm, vừa vĩ mô lại vừa rất kỹ thuật, nếu không có hiểu biết chuyên ngành sẽ dễ rơi vào tình trạng viết “khơi khơi”, thậm chí viết ngây ngô, sai bản chất vấn đề.

Trước khi được phân công theo dõi mảng tài chính - ngân hàng, tôi đã có gần 8 năm làm việc ở Báo An ninh Thủ đô với các vị trí phóng viên ở ấn phẩm An ninh Thủ đô Cuối tuần và biên tập viên. Khi chuyển sang theo dõi mảng tài chính - ngân hàng theo sự phân công của cơ quan, lúc đó tôi không còn trẻ, không còn nhiều thời gian để “học việc” nữa. Ngoài theo dõi các tin tức thời sự trong lĩnh vực này, tôi bắt đầu phải mày mò đọc rất nhiều thông tin, với hàng loạt thuật ngữ chuyên môn ngân hàng, tài chính, chứng khoán… Tôi phải học cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp, cách đọc bảng điện tử chứng khoán, học cách gần gũi hóa những con số khô khan… Những kiến thức quá xa lạ với một phóng viên vốn thiên về mảng xã hội trước đây.

Các bài báo tài chính vốn khô khan, “kén” đối tượng bạn đọc thường được xếp vào mảng ít “view” (người đọc) nhất của tờ báo. Vì vậy, để bài báo trở nên gần gũi, dễ hiểu, có trọng lượng, có tính phân tích, dự báo, định hướng, thì rất cần ý kiến các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.

Một việc quan trọng nữa là làm sao để kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực này. Các bài báo tài chính vốn khô khan, “kén” đối tượng bạn đọc thường được xếp vào mảng ít “view” (người đọc) nhất của tờ báo. Vì vậy, để bài báo trở nên gần gũi, dễ hiểu, có trọng lượng, có tính phân tích, dự báo, định hướng, thì rất cần ý kiến các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.

Tôi nhớ, có lần gọi điện hỏi một chuyên gia về một vấn đề chuyên ngành, ông không khỏi khó chịu khi phóng viên cũng ấm ớ, không hiểu rõ thứ mình cần hỏi khiến tôi được một phen xấu hổ. Kể từ đó, để không “mất lòng” chuyên gia, mỗi lần có đề tài khó, có khi tôi phải dành đến cả tiếng, thậm chí nửa buổi để nghiên cứu vấn đề mình đang định viết trước khi bốc máy gọi điện.

Một kỷ niệm buồn

Thật ra việc kết nối các chuyên gia đối với phóng viên tài chính - ngân hàng không phải dễ, vì các chuyên gia có kiến thức sâu, rộng lĩnh vực này vốn đã ít, chuyên gia thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với phóng viên lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trong hơn 4 năm theo dõi lĩnh vực, tôi cũng chỉ may mắn gặp được một số chuyên gia như vậy nên rất trân trọng. Thế nhưng, cũng có những kỷ niệm rất buồn.

Tôi nhớ, ngày 5-4-2020, hôm đó đang trong thời gian cách ly phòng chống dịch Covid-19 theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, tôi dành cả buổi sáng ở nhà để nghe và “gỡ băng” đoạn ghi âm dài gần 1 tiếng đồng hồ của Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín (giảng viên Học viện Ngân hàng TP.HCM). Trong đoạn phỏng vấn, như thường lệ, anh có rất nhiều phân tích, nhận định sâu sắc về lĩnh vực ngân hàng cả trong nước và thế giới. Tôi chọn ra một ý trong bài phỏng vấn để lên một tin trên báo điện tử, dự định sẽ sử dụng những tư liệu còn lại trong bài viết ngày hôm sau.

Nhà báo Hà Loan

Bất ngờ, chiều tối hôm đó, trong tất cả các nhóm “chat” của phóng viên tài chính - ngân hàng mà tôi tham gia, mọi người truyền nhau thông tin Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín tử vong vì rơi từ tầng 14 một chung cư trong TP.HCM. Tâm trạng chung của hầu hết phóng viên chúng tôi là bàng hoàng, thương tiếc. Tôi vội vã vào trang cá nhân của anh trên Facebook, và mọi chuyện dần được xác nhận khi nhiều bạn bè, người thân của anh bày tỏ sự đau xót ở đây.

Thật ra, tôi và Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín không có dịp gặp nhau nhiều vì anh tận trong Nam. Có lần, khi tham dự chung một sự kiện ngoài Hà Nội, sau sự kiện anh hẹn đi ăn cùng một số người bạn và vài phóng viên hay liên lạc. Nhưng tôi thường xuyên xin ý kiến của anh qua điện thoại, liên lạc qua mạng xã hội Facebook và lần nào anh cũng rất nhiệt tình, vui vẻ trả lời, có khi tranh thủ cả giờ ra chơi trên giảng đường để trao đổi với phóng viên.

Thế nên, cảm giác một người mà mình yêu quý, một người mà vừa nghe họ hào hứng chia sẻ hàng loạt dự định trong tương lai bỗng gặp chuyện đau thương, khiến tôi không khỏi xót xa. Cái tên của anh không còn xuất hiện trong những bài báo của tôi nữa, nhưng mỗi lần bốc máy gọi chuyên gia, lướt qua vài cái tên ít ỏi, trong đó có số điện thoại của anh, tôi vẫn không khỏi cảm giác buồn!

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cach-hoa-giai-so-lieu-trong-cac-bai-bao-kinh-te/857858.antd