Cách giảm nguy cơ tái mắc Covid-19

Các chuyên gia cho rằng hiệu quả của vaccine đang giảm sút trước biến chủng mới. Khẩu trang vẫn là biện pháp tốt để ngăn ngừa tái mắc Covid-19.

Chỉ cách đây một năm, khái niệm "tái nhiễm", "tái mắc" là điều xa lạ với người dân toàn cầu. Nhưng sự xuất hiện của biến chủng mới, đặc biệt là Omicron khiến tình trạng này phổ biến rất nhanh, thậm chí chiếm đa số trong các ca mắc mới tại nhiều nước.

Biến chủng "quỷ quyệt"

Theo NPR, những gì biến chủng Omicron đang gây ảnh hưởng trên toàn cầu cho chúng ta thấy nó "quỷ quyệt" như thế nào.

Nhà virus học Pei-Yong Shi, Đại học Texas, nhận định: "Về khả năng né tránh kháng thể, Omicron là bậc thầy. Nó hiệu quả hơn tất cả biến chủng trước đó. Chỉ cần một đột biến then chốt có thể lật ngược hoàn toàn mọi thứ".

 Tái mắc có thể gây triệu chứng nhẹ hơn nhưng đó không phải mẫu số chung cho tất cả. Ảnh: Newsweek.

Tái mắc có thể gây triệu chứng nhẹ hơn nhưng đó không phải mẫu số chung cho tất cả. Ảnh: Newsweek.

Hai nghiên cứu gần đây giải thích lý do đột biến của Omicron và các dòng phụ của nó lây lan nhanh chóng như vậy. Câu trả lời nằm ở các yếu tố: Đột biến cho phép chúng tái nhiễm những người từng nhiễm Omicron. Nguy cơ tái nhiễm này có thể cao hơn với những người không được tiêm chủng.

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu của người nhiễm Omicron BA.1 và xem liệu kháng thể trong máu của họ có vô hiệu hóa được các phiên bản mới hơn của Omicron là BA.2.12.2, BA.4, BA.5 hay không.

Kết quả cho thấy tất cả người nhiễm BA.1 đều có kháng thể vô hiệu hóa BA.1. Nhưng hiệu lực đó giảm đáng kể với 3 biến chủng mới nó trên. Nó giảm bao nhiêu phần phụ thuộc rất nhiều vào việc mọi người có được tiêm phòng hay không.

Người không được tiêm chủng, khả năng trung hòa BA.4, BA.5 giảm 8 lần. Trong khi đó, con số này ở BA.2.12.1 là giảm 4 lần. Nhà miễn dịch học Alex Sigal, Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi, tác giả của một nghiên cứu, đánh giá: "Khả năng trung hòa trước BA.4 và BA.5 của kháng thể rất thấp". Trong khi đó, nhà miễn dịch học Sunny Xie và cộng sự, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, tác giả của nghiên cứu còn lại, cho hay: "Chúng ta nhận thấy Omicron có thể phát triển đột biến để né tránh miễn dịch được tạo ra từ lần nhiễm BA.1",

Triệu chứng ở mỗi lần tái mắc có thể khác nhau

Các bác sĩ nhận thấy nhiều triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn và ngắn hơn khi mắc Covid-19 lần 2, 3. Nhưng thật khó để khẳng định chắc chắn đây là mẫu số chung cho tất cả. Bạn vẫn có thể bị sốt, kiệt sức, đau họng, sương mù não và các triệu chứng khác.

Tiến sĩ O'Neill J. Pyke, Giám đốc Trung tâm Y tế Jackson North, Mỹ, cho biết ông nhiễm chủng nCoV ban đầu vào năm 2020. Ông đã gần như không thở được, sụt hơn 9 kg và phải nghỉ làm 45 ngày để hồi sức.

Vào tháng 6, ông O'Neill mắc Covid-19 lần hai. Ông đã được tiêm chủng và tiêm mũi nhắc lại trước đó 7 tháng. Lần này, căn bệnh khiến vị bác sữi đau đầu và mệt mỏi nặng.

“Đó là ba ngày tồi tệ. Nhưng chỉ 6 ngày sau, tôi có thể đi làm trở lại", ông nói.

Khi xem xét các lần nhập viện vì Covid-19 của Trung tâm Y tế Jackson North, tiến sĩ O'Neill J. Pyke cho biết có thể những người rất dễ nhiễm virus và thực sự bị bệnh nặng trong lần mắc trước đó sẽ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng khi tái mắc. Cũng có thể một người khỏe mạnh, được tiêm phòng và mới bị nhiễm bệnh gặp triệu chứng nhẹ đến mức họ không biết mình mắc bệnh.

Đeo khẩu trang vẫn là cách hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tái mắc Covid-19. Ảnh: Freepik.

Cách ngăn ngừa tái nhiễm

Theo các chuyên gia, khẩu trang, tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả bảo vệ chúng ta trước Covid-19, nâng cao khả năng miễn dịch và ngăn ngừa bệnh nặng.

Nhà miễn dịch học Alex Sigal, cho biết thêm: “Khả năng miễn dịch đã tốt hơn ở những người tiêm mũi tăng cường hoặc đã khỏi Covid-19 mà vẫn tiếp tục tiêm chủng theo khuyến cáo. Người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc J&J có khả năng trung hòa chỉ giảm 3 lần trước BA.4, BA.5. Những người này cũng có nhiều khả năng miễn dịch hơn so với BA.1. Trung bình họ có miễn dịch cao hơn 5 lần so với những người không được tiêm chủng trong việc chống lại biến chủng mới".

Tiến sĩ Cory Harow, bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm Y tế West Boca, nhấn mạnh việc tiêm mũi tăng cường "thực sự tạo khác biệt, nhất là ở những người lớn tuổi. Càng nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tỷ lệ người nhập viện sẽ tăng theo".

Ông Harow khuyến cáo nếu sắp có sự kiện hoặc đi du lịch và muốn tránh tái mắc Covid-19, ngay cả khi đã bị nhiễm Omicron, chúng ta nên đeo khẩu trang ở nơi đông người. Đó có thể là vật bất ly thân với chúng ta trong bình thường mới.

Bảo Hân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-giam-nguy-co-tai-mac-covid-19-post1340179.html