Cách giảm ho và rát họng sau khi khỏi Covid-19

Ho là triệu chứng khá phổ biến ở nhiều người mắc Covid-19 giai đoạn cấp và hậu nhiễm.

Ở góc nhìn y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết khi nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng ho.

Thực tế, ho không phải là dấu hiệu bệnh đáng lo ngại. Chẳng hạn, một người bị đau rát họng, sốt nhẹ sau đó thuyên giảm kèm chỉ số oxy máu (SpO2) ở mức bình thường thì ho không đáng lo.

"Về bản chất, ho là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp", bác sĩ Vũ nói.

Với trường hợp ho khan, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho. Trường hợp ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho mà dùng long đờm.

Đối với ho có đờm, có thể do người bệnh bị viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Trường hợp này phải thăm khám để bác sĩ có hướng xử trí thích hợp.

Trường hợp ho nhiều ảnh hưởng công việc và sinh hoạt hàng ngày, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp cơ bản sau:

- Nằm kê gối cao: Sử dụng thêm gối để chống chảy dịch mũi và giúp giảm trào ngược axit. Khi nằm thẳng, chất nhầy hoặc axit trào ngược sẽ kích thích cổ họng của bạn, gây ho nhiều hơn về đêm.

- Súc miệng nước muối: Đây là phương pháp truyền thống, được nhiều người sử dụng khi bị ho và giúp làm sạch đờm trong cổ họng. Súc miệng với nước muối ấm cũng giúp bạn nhanh chóng "đánh bay" cảm giác đau rát cổ họng.

- Sử dụng thuốc ngậm: Thuốc nhỏ hoặc viên ngậm trị ho có tác dụng làm dịu cổ họng bị kích ứng giúp giảm nhanh cơn ho (không dùng cho trẻ nhỏ).

- Dùng mật ong: Mật ong kết hợp với gừng, sả, chanh... có thể làm giảm cơn ho hữu hiệu. Bạn nên pha bằng nước ấm, uống từng ngụm nhỏ. Để tránh khô họng, bạn cũng nên uống đủ lượng nước hàng ngày.

Ngoài ra, một số món ăn vị thuốc giúp long đờm cũng giúp bạn sớm thoát cơn ho. Quả la hán dùng pha trà giúp trị ho, tiêu đờm và trị bệnh viêm họng rất tốt.

Quả lê cũng là trái cây ngon miệng, có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, trị viêm họng, hạ sốt, bổ phế, tiêu đờm, giảm ho. Bạn có thể ăn trực tiếp quả tươi hoặc làm món lê hấp đường phèn.

Cách làm lê hấp đường phèn: Một quả lê thái hạt lựu, sau đó trộn với đường phèn và hấp cách thủy 20 phút. Mỗi ngày bạn ngày ăn 2 lần.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-giam-ho-va-rat-hong-sau-khi-khoi-covid-19-post1315207.html