Cách đơn giản giúp phòng ngừa bệnh tim mạch

Tử vong do tim mạch vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, đứng đầu các nguyên nhân gây tử vong và ngày càng bỏ xa các nguyên nhân gây tử vong khác. Tuy nhiên, có những cách đơn giản, dễ thực hiện có thể giúp phòng ngừa các bệnh này.

Trong một nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) và các yếu tố nguy cơ tim mạch trong 30 năm qua, từ năm 1990 đến 2019, được công bố trên tạp chí tim mạch hàng đầu thế giới - Journal of the American College of Cardiology, tháng 12/2020, các thông tin đưa ra kết quả đáng buồn: Tử vong do tim mạch vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, đứng đầu các nguyên nhân gây tử vong và ngày càng bỏ xa các nguyên nhân gây tử vong khác. Tuy nhiên, có những cách đơn giản, dễ thực hiện có thể giúp phòng ngừa các bệnh này.

Gánh nặng bệnh tim mạch vẫn gia tăng trong 20 năm qua

Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch đã tăng gấp đôi sau 30 năm (từ năm 1990 đến năm 2019); tổng số tử vong tăng (từ 12,3 triệu năm 1990 lên 18,6 triệu năm 2019). Đặc biệt, gánh nặng tử vong do bệnh tim mạch gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển hoặc các nước có thu nhập trung bình - thấp, tỷ lệ tử vong giảm ở các nước phát triển nhưng tổng số không giảm do sự tích lũy tuổi và tổng số ca mắc bệnh. Cơ cấu bệnh tật cũng thay đổi, trong đó các bệnh lý tim mạch liên quan đến xơ vữa mạch máu hoặc thoái hóa (tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh đột quỵ, suy tim, bệnh hẹp van động mạch chủ do thoài hóa...) gia tăng nhanh chóng, trái lại các bệnh lý van tim liên quan nhiễm trùng như thấp tim, bệnh tim bẩm sinh giảm.

Một vấn đề nữa là, qua 30 năm, các yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu vẫn hầu như giữ nguyên thứ tự không thay đổi: Trong đó hàng đầu là tăng huyết áp, sau đó là chế độ ăn uống, rối loạn lipid máu và ô nhiễm không khí là không thay đổi gì qua 30 năm. Hút thuốc lá giảm 1 bậc, nhường chỗ cho thừa cân béo phì tăng 1 bậc.

Đây là thực tế đáng lo ngại, thách thức mọi nỗ lực của các nhà chuyên môn trong việc cải thiện bệnh lý tim mạch.

Nhiều bước đi hơn để đạt tới một sức khỏe tốt hơn

Hai nghiên cứu gần đây nhấn mạnh vào lợi ích của việc thực hiện số bước đi hàng ngày ở mức cao.

Nghiên cứu thứ nhất với sự tham gia của 4.840 bệnh nhân tại Hoa Kỳ từ 40 tuổi trở lên, được đeo gia tốc kế hơn 14 giờ mỗi ngày trong thời gian trung bình lên tới 7 ngày, việc thực hiện 8.000 bước mỗi ngày làm giảm một nửa nguy cơ tử vong trong trung bình 10 năm theo dõi so với thực hiện 4.000 bước mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bước đi mạnh hoặc cường độ cao có vẻ không ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong.

Kết quả của một nghiên cứu khác về việc sử dụng đồng hồ thông minh để vượt qua thách thức theo dõi hoạt động thể lực một cách chính xác trong thời gian dài đã được công bố trên tạp chí Circulation Research. Nghiên cứu này gồm khoảng 900 bệnh nhân như là phần mở rộng của Framingham Heart Study. Với mỗi 1.000 bước hàng ngày khi đồng hồ theo dõi, nguy cơ tim mạch dự đoán của bệnh nhân trong thập kỷ tiếp theo thấp hơn 0,18%. Mức ảnh hưởng này ít hơn ở nữ giới (0,13%) so với nam giới (0,28%) và không có ảnh hưởng ở nữ giới nếu hiệu chỉnh theo BMI.

Đừng quên tiêm phòng cúm

Trong nghiên cứu trên hơn 80.000 bệnh nhân tại Hoa Kỳ nhập viện trong giai đoạn 2010-2018 đã được xác nhận mắc cúm bởi phòng xét nghiệm, gần 12% bệnh nhân có biến cố tim mạch cấp tính như suy tim cấp, nhồi máu cơ tim hoặc cơn tăng huyết áp, trước khi xuất viện.

Trong số các bệnh nhân này, có 31% cần chăm sóc tích cực và 7% tử vong (theo tạp chí Annals of Internal Medicine), kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng cúm.

Tại Hội nghị Khoa học và Tạp chí của Hiệp hội Nội khoa Hoa Kỳ, nghiên cứu trên 5.000 bệnh nhân Bắc Mỹ có bệnh lý tim mạch cho thấy vắc-xin phòng cúm 3 thành phần liều cao không hiệu quả hơn vắc-xin cúm mùa 3 thành phần liều chuẩn trong việc giảm nguy cơ tử vong hoặc nhập viện do bệnh lý tim mạch hoặc phổi.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng

(( Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-don-gian-giup-phong-ngua-benh-tim-mach-n185722.html