Cách đơn giản giúp học sinh thay đổi thói quen ăn uống

Các nhà khoa học đã dùng chính xu hướng phản nghịch tự nhiên của thanh thiếu niên để khiến học sinh thay đổi thói quen ăn uống, chuyển từ thích đồ ăn vặt sang coi trọng thực phẩm lành mạnh.

Việc phơi bày quảng cáo đồ ăn vặt do người lớn thiết kế thao túng học sinh như thế nào khiến họ ghét đồ ăn vặt và quảng cáo đồ ăn vặt - Ảnh: Shutterstock

Câu hỏi “Làm thế nào để ngăn chặn những người trẻ tuổi ăn quá nhiều đồ ăn vặt - thực phẩm ít giá trị dinh dưỡng, thường đã chế biến sẵn, được đóng gói?” với mục đích giảm thiểu nguy cơ sức khỏe là chủ đề nghiên cứu của nhiều nhóm khoa học.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hành vi tự nhiên của con người đã đưa ra một chiến lược tâm lý đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ.

Theo Science Alert, điều tuyệt vời là phương thức này khai thác xu hướng phản nghịch tự nhiên của thanh thiếu niên để khiến họ thực sự thay đổi lựa chọn ăn uống bằng cách chỉ ra các chiêu trò tiếp thị được thiết kế như thế nào để khiến tất cả chúng ta bị cuốn hút vào đồ ăn vặt. Kỹ thuật này hoạt động tốt hơn là cung cấp cho thanh thiếu niên thông tin về ăn uống lành mạnh như bình thường.

Nhà khoa học hành vi Christopher J. Bryan từ Trường Kinh doanh Đại học Chicago (Mỹ) nói trên Science Alert: "Một trong những điều thú vị nhất là chúng tôi khiến trẻ em có phản ứng đường ruột tiêu cực ngay lập tức đồ ăn vặt, quảng cáo đồ ăn vặt và phản ứng đường ruột tích cực hơn với thực phẩm lành mạnh”.

Ông giải thích: “Tiếp thị thực phẩm chủ ý được thiết kế để tạo ra các cảm xúc tích cực với đồ ăn vặt, để kết nối nó với cảm giác hạnh phúc và vui vẻ. Những gì chúng tôi đã làm là phơi bày sự thao túng này cho thanh thiếu niên thấy, gây ra ác cảm mạnh mẽ tự nhiên của chúng đối với việc bị người lớn kiểm soát”.

Cụ thể, 362 học sinh lớp 8 (từ 13 đến 15 tuổi) tham gia vào nghiên cứu ở Texas (Mỹ). Các em được chia thành hai nhóm: một nhóm được cho xem những chiêu trò tiếp thị được sử dụng bởi các công ty thực phẩm và nhóm còn lại được biết về lợi ích của việc ăn uống lành mạnh.

Ví dụ, bên khám phá các chiêu tiếp thị ăn uống không lành mạnh có bao các dòng như: “Các công ty đang chi rất nhiều tiền để tìm cách làm cho (thực phẩm không lành mạnh) gây nghiện hơn". Trong khi bên thông tin ăn uống lành mạnh có những dòng như: "Giống như một chiếc xe hơi, cơ thể chúng ta cần nhiên liệu để chạy, và chất dinh dưỡng cũng giống như nhiên liệu cho cơ thể chúng ta".

Thông qua các cuộc khảo sát tiếp sau và theo dõi việc mua bán ở căn tin suốt thời gian còn lại của năm học, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng đối với nhóm biết chiêu trò tiếp thị, đồ ăn vặt không còn được nhìn nhận tích cực nữa và thanh thiếu niên có những lựa chọn bữa ăn nhẹ và bữa ăn chính lành mạnh hơn.

Đáng chú ý, những nam sinh đã mua đồ ăn nhẹ không lành mạnh ít hơn 31% trong suốt ba tháng sau đó, theo Science Alert.

Tạ Ban

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/cach-don-gian-giup-hoc-sinh-thay-doi-thoi-quen-an-uong-1074528.html