Cách đọc 'K' và 'Q' là 'Cờ' trong sách 'Công nghệ giáo dục' có phù hợp?

Tôi vừa đọc một bài viết của nhóm đồng nghiệp về cách đánh vần: 'K'; 'Q'; 'C' đều đọc là 'Cờ'. Cuốn sách này đã được đưa vào chương trình giáo dục, tôi thật sự hoang mang…

Theo quan điểm của tôi, trước hết phải cho rằng đây là một sự cải cách về phát âm tiếng Việt, chứ không đơn thuần là cải cách giáo dục. Bởi cải cách giáo dục là sự thay đổi trong hệ thống giáo dục bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học.

Còn sự thay đổi ở đây là từ phát âm “Q” - “Cu” thành “Cờ”; “K” – “Ca” thành “Cờ”; là sự thay đổi cơ bản trong phát âm tiếng Việt đối với “Q” và “K”.

Tiếng Việt của chúng ta vốn bị coi là phức tạp, nhất là đối với người nước ngoài học tiếng Việt. Phức tạp bởi những từ đa nghĩa, phức tạp bởi từ đồng nghĩa…

Đối với người Việt Nam, việc học và áp dụng chuẩn tiếng Việt không hề đơn giản. Bởi lẽ, trong công việc, sinh hoạt hàng ngày chúng ta đang phải dùng rất nhiều từ đi “mượn”, mà đa số là mượn từ Hán, nên trong tiếng Việt của chúng ta hiện nay đang có rất nhiều từ Hán Việt. Đó là những từ có gốc Hán, nhưng ghi bằng ký tự La-tinh và đọc theo âm Việt. Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện nay chúng ta đang có khoảng 3.000 từ Hán Việt thường được dùng.

Bộ sách Công nghệ giáo dục

Ngay việc chuẩn hóa tiếng Việt chúng ta chưa làm xong, thì sao đã vội nghĩ đến việc cải cách tiếng Việt? Đó là chưa kể đến tình trạng nói ngọng khá phổ biến. Nói ngọng ở đây không chỉ có người học, hay nhiều người trình độ học vấn hạn chế, mà nói ngọng xuất hiện trong cả đội ngũ giáo viên là người dạy học, và cả người làm công tác quản lý giáo dục.

Cách đây không lâu, tôi có ngồi tại nhà một cô giáo dạy Văn trường THCS. Chồng cô giáo là bạn học với tôi. Ngồi uống nước với anh bạn mà tôi không nhịn được cười khi nghe cô giáo sửa bài làm văn cho học sinh của mình. Trong đó, có lỗi chính tả của học sinh được cô sửa là: “Nờ này phải là nờ cao chứ ai bảo nờ thấp?

Cô giáo phân biệt được việc sử dụng “L” với “N” nghĩa là cô giáo biết rõ sự khác nhau của chúng trong mỗi hoàn cảnh sử dụng. Nhưng khổ một nỗi là vì cô giáo bị cái tật nói ngọng, nói ngọng mà không chịu sửa nên cô phân biệt được cách sử dụng nhưng lại đọc giống nhau là “nờ”. Vì thế, cách để cô giáo phân biệt duy nhất và dễ nhất là “cao” và “thấp”! Đó là cách phân biệt bằng trực quan trực diện chứ không phải bằng kiến thức tiếng Việt.

Tiếng Việt không có tài liệu nào hướng dẫn các thầy cô giáo dạy học sinh phân biệt “L” với “N” là “Nờ cao” với “Nờ thấp”, nên đây cũng là cái “tật’ mà một số thầy cô giáo đang mắc phải cần khắc phục. Khi người dạy khắc phục được thì người học sẽ không còn học được cái cách phân biệt sai với tiếng Việt đó nữa. Từ đó, thành thói quen trong sinh hoạt là học sẽ không còn nói ngọng “L” với “N”.

Trở lại với việc “K”; “Q”; “C” trong sách “Công nghệ giáo dục” đều đọc là “Cờ”. Chúng ta thấy “C” và “K” là những chữ cái có thể ghép với những chữ cái khác trong tiếng Việt. Ví dụ: “C” ghép với “H” thành “CH”, dùng những từ như “Cho”, “Chúc”, “Chịu”…; và “K” ghép với “H” thành “KH”, dùng cho những từ như “Khách”, “Khi”, “Khổ”…

Vì cái tật nói ngọng ở một số địa phương là viết có thể đúng, có thể phân biệt được đúng hay sai. Nhưng họ nói hoặc đọc tiếng Việt lại bị sai. Do đó là có những lúc người đánh vần để học chữ giữa nói và viết lại khác nhau.

Chẳng hạn có những em học sinh trí nhớ kém, khi cô giáo dạy “Cờ” ghép với “Hờ”, nhưng các em không thể nhớ nổi nên không phân biệt được “KH” hay “CH”. Vậy là cũng giống như phân biệt “Lờ” với “Nờ” bằng trực quan trực diện, các em lại loạn lên trong đầu giữa “CH” với “KH”. Và có thể lại chẳng phân biệt nổi “”Chi” và “Khi” hay “Cho” và “Kho” khác nhau như thế nào? Đấy là chưa kể đến chuyện có em còn nghe đọc mà ghép luôn cả “”Q” với “H” thành “Qh” thì đến là nực cười.

Mục tiêu của việc cải cách giáo dục là làm đổi mới chương trình giáo dục cho phù hợp với thực tế vì một xã hội văn minh, hiện đại, làm cho chương trình cũng như phương pháp dạy và học phù hợp với sự phát triển của xã hội hơn.

Khi tôi gọi điện cho một anh bạn làm luật sư hỏi về việc thay đổi cách đọc trong tiếng Việt đối với “K” và “Q”, anh bạn tôi cười nhạt: “Đây có thể cho là việc cải cách tiếng Việt chứ không chỉ là cải cách giáo dục. Mà sự cải cách này là sự thể hiện thiếu tôn trọng bảng chữ cái tiếng Việt mà từ đời cha ông chúng ta để lại”. Và như vậy, sự cải cách này không những không làm đơn giản hơn mà còn tạo ra mớ rối ren, làm khó người dạy và người học.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cach-doc-k-va-q-la-co-trong-sach-cong-nghe-giao-duc-co-phu-hop-121234.html