Cách điều trị F0 nhiễm Omicron có khác?

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù một số kháng thể đơn dòng kém hiệu quả, thuốc kháng virus điều trị Covid-19 vẫn có tác dụng với biến chủng Omicron.

Mặc dù có rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết về Omicron và làn sóng dịch tương lai, có một điều các nhà khoa học trên thế giới khá chắc chắn là lượng người mắc bệnh tăng cao.

Omicron được chứng minh là gây bệnh nhẹ hơn nhưng lại rất dễ lây lan. Vì vậy, biến chủng này dường như nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó, đặc biệt là Delta vẫn đang lưu hành.

Omicron có thực sự ít gây bệnh nặng hơn Delta?

Theo tạp chí National Geographic, nhiều bằng chứng từ các nhà khoa học trên thế giới cho thấy biến chủng Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Ở Nam Phi, nơi Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021, cơ quan y tế báo cáo đến giữa tháng 12/2021, những người trưởng thành mắc Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn 29% so với người lớn bị nhiễm virus vài tháng trước đó.

Ở Anh, tỷ lệ nhập viện của người nhiễm Omicron bằng 1/3 so với Delta, theo bản tóm tắt nghiên cứu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh công bố vào ngày 31/12/2021.

 Biến chủng Omicron được đánh giá gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta. Ảnh: Nbcchicago.

Biến chủng Omicron được đánh giá gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta. Ảnh: Nbcchicago.

Theo nghiên cứu sơ bộ kiểm tra dữ liệu của hơn 14.000 bệnh nhân từ Đại học Y Case Western Reserve (Mỹ), kể từ đầu tháng 1, những người trưởng thành ở Mỹ nhiễm Omicron có nguy cơ cấp cứu, nhập viện hoặc đặt máy thở ít hơn 50%.

Nghiên cứu này cũng cho thấy Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn Delta ở tất cả nhóm tuổi, ngay cả người lớn trên 65 tuổi và trẻ em chưa đủ tuổi tiêm vaccine. Tuy nhiên, cũng như các vấn đề sức khỏe khác, tuổi tác vẫn là yếu tố quan trọng để đánh giá.

Tiến sĩ Del Rio, nhà dịch tễ học và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, cho biết: "Đối với bất kỳ căn bệnh nào, nếu bạn lớn tuổi, nguy cơ bệnh diễn biến nặng sẽ cao hơn".

Những người có vấn đề sức khỏe hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu cũng dễ bị tổn thương hơn, tương tự trường hợp không tiêm chủng.

Mặc dù các loại vaccine hiện tại ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các triệu chứng do Omicron so với Delta, báo cáo của Anh cho thấy những người đã tiêm đủ 2 mũi và liều tăng cường có nguy cơ nhập viện với Omicron thấp hơn tới 88% so với trường hợp không tiêm.

Tại sao Omicron lại nguy hiểm khi ít nghiêm trọng hơn Delta?

Theo nghiên cứu của Đan Mạch, Omicron có khả năng lây lan cao hơn Delta 2-4 lần. Nó cũng có khả năng né tránh kháng thể được kích hoạt bởi vaccine tốt hơn Delta. Đó là lý do số lượng người nhiễm Omicron tăng nhanh đột biến, thậm chí ở cả trường hợp đã tiêm vaccine.

Không giống các biến chủng trước đó, Omicron dường như không thể lây nhiễm tế bào phổi hiệu quả. Do đó, nó gây tổn thương ít hơn và triệu chứng không nghiêm trọng như biến chủng trước.

Trong một số nghiên cứu, tải lượng virus trong phổi của động vật gặm nhấm nhiễm Omicron thấp hơn đáng kể. Nhưng ở đường hô hấp trên, bao gồm mũi và xoang, Omicron có khả năng tái tạo nhanh hơn Delta cả trăm lần.

Sự kết hợp những thay đổi của Omicron phản ánh cách thức tiến hóa thúc đẩy virus đảm bảo tương lai của chính nó bằng cách nhân rộng và lây lan ngay cả khi điều đó không làm cho các cá nhân bị bệnh nặng hơn.

Cách điều trị Omicron

Theo Medical New Today, biến chủng Omicron có ít nhất 33 đột biến trong protein đột biến. Do đó, các nhà khoa học lo lắng về việc liệu các phương pháp điều trị bằng kháng thể có giữ được hiệu quả chống lại biến chủng mới hay không.

Để đánh giá hiệu quả của các kháng thể đơn dòng chống lại Omicron, các nhà khoa học đã sử dụng một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để so sánh khả năng của các phương pháp điều trị kháng thể khác nhau trong việc vô hiệu hóa Omicron và các biến chủng SARS-CoV-2 trước đó (Alpha, Beta, Gamma và Delta). Nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine.

Kết quả cho thấy mặc dù hầu hết kháng thể đều có hiệu quả chống lại các biến chủng trước đó, tất cả kháng thể đơn dòng được thử nghiệm trong nghiên cứu đều cho thấy khả năng trung hòa Omicron bị giảm.

Chẳng hạn, kháng thể đơn dòng casirivimab đã vô hiệu hóa Gamma và Beta hiệu quả, nhưng để vô hiệu hóa Omicron, cần phải có nồng độ cao hơn 18-75 lần của kháng thể. Hay với kháng thể sotrovimab ưu việt hơn trong việc trung hòa Omicron, với nồng độ thấp hơn cần thiết để ức chế biến chủng. Tuy nhiên, nồng độ để có thể vô hiệu hóa Omicron vẫn cao hơn gấp 3 lần so với Delta hoặc Beta.

Phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng bị giảm hiệu quả với Omicron. Ảnh: Latimes.

Ngoài việc sử dụng kháng thể đơn dòng riêng lẻ, các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp "cocktail" từ hai kháng thể trở lên để điều trị Covid-19. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hiệu quả của ba sự kết hợp kháng thể như vậy.

Trong số đó, tổ hợp kháng thể Evusheld của AstraZeneca có hiệu quả nhất trong việc ức chế khả năng lây nhiễm của Omicron vào tế bào nuôi cấy.

Tuy nhiên, nồng độ của tổ hợp kháng thể có thể vô hiệu hóa Omicron cao hơn 24-142 lần so với biến chủng trước đó. Đặc biệt, việc kết hợp 2 kháng thể khác nhau không thể vô hiệu hóa Omicron.

Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá các loại thuốc kháng virus như Remdesivir và Molnupiravir có bị giảm hiệu quả chống lại Omicron hay không.

Họ phát hiện cả 2 loại thuốc đều có hiệu quả với Omicron tương tự các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những kết quả này từ phòng thí nghiệm cần được xác minh thêm trong nghiên cứu lâm sàng.

Tiến sĩ Rajesh Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là Giáo sư y khoa tại trường Y Harvard ở Boston, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết những dữ liệu này phù hợp với kết quả từ một số nghiên cứu khác.

"Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hoạt động của một số kháng thể đơn dòng chống SARS-CoV-2 (casirivimab/imdevimab, bamlanivimab/etesevimab) giảm rõ rệt so với Omicron. Trong khi đó, hai loại thuốc kháng virus, Molnupiravir và Remdesivir, có thể chống lại Omicron trong các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm", tiến sĩ Gandhi nhận định.

Tiêm đủ 2 mũi vaccine và liều bổ sung vẫn là cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron. Ảnh: Ustoday.

Cách phòng ngừa

Theo India Times, cách hiệu quả duy nhất để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây nhiễm cho mọi người là che mũi, miệng bằng khẩu trang sạch. Bạn nên tránh chạm tay chưa rửa/khử khuẩn sạch vào mắt, miệng và mũi.

Khẩu trang giúp giảm thiểu nguy cơ bị mắc Covid-19 theo tỷ lệ phần trăm lớn. Theo các báo cáo, mức độ bảo vệ của khẩu trang dao động từ 20 đến 95% tùy thuộc vào cấu tạo của mỗi loại.

Tất cả loại vaccine Covid-19 đã được phát triển và được WHO cho phép sử dụng đều có tác dụng bảo vệ chống lại căn bệnh này. Ngay cả khi nghi ngờ về nhiễm trùng Omicron, WHO chỉ rõ rằng vaccine bảo vệ mọi người khỏi mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ngoài ra, trong làn sóng Omicron, ít trường hợp nhập viện và trường hợp nghiêm trọng hơn được thấy ở những người bị mắc Covid-19 đã tiêm phòng.

"Càng nhiều người không được tiêm chủng và mắc bệnh, càng có nhiều cơ hội xảy ra đột biến. Các biện pháp phòng ngừa sẽ hạn chế sự lây lan và đột biến của virus. Nó cũng làm giảm sự lây lan của nhiều biến chủng nếu chúng xuất hiện", tiến sĩ Stuart Ray, Phó chủ tịch y học về tính toàn vẹn và phân tích dữ liệu, trường Y John Hopkins (Mỹ), nhận định.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-dieu-tri-f0-nhiem-omicron-co-khac-post1298497.html