Cách điều khiển bất ngờ để S-300 phong tỏa trời Syria

Theo nhận định của một số chuyên gia, do khả năng yếu kém của kíp chiến đấu Syria nên Nga sẽ tự vận hành S-300. Nhưng thực tế lại khác hẳn.

Theo National Interest, để có thể vận hành nhuần nhuyễn hệ thống tên lửa phòng không tối tân như S-300, các kíp chiến đấu sẽ phải mất ít nhất hàng năm huấn luyện. Và đây có thể chính là nguyên nhân khiến Nga chưa thể giao cho Syria vận hành vũ khí này.

Nhận định của tạp chí Mỹ được xem là khá hợp lý nhưng sự thật không phải vậy sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố chuyển giao hệ thống điều khiển tự động các thiết bị của Lực lượng phòng không cho Syria.

Hệ thống S-300.

"Các cơ sở chỉ huy đơn vị Syria và các đơn vị thuộc lực lượng phòng không sẽ được trang bị các hệ thống điều khiển tự động mà hiện nay chỉ các lực lượng vũ trang Nga được cung cấp", ông Shoigu nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, bằng cách này có thể đảm bảo quá trình "điều khiển tập trung tất cả các lực lượng phòng không cũng như các thiết bị phòng không của Syria, theo dõi tình hình trên không và nhanh chóng đưa ra các chỉ thị cụ thể".

Sẽ không có gì đáng nói về việc chuyển giao này nếu hệ thống điều khiển tự động Nga nói đến không thuộc hàng "bảo bối" không thể tiết lộ ra bên ngoài của Moscow.

Hệ thống này cũng được cho rằng sẽ được Nga bảo mật tương tự như hệ thống nhận diện địch-ta trên mà Nga không chuyển giao cho bất kỳ nước nào.

Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố: "Hệ thống nhận diện địch-ta (IFF) là hệ thống nhận diện riêng đối với từng nước. Ngay cả vũ khí và thiết bị quân sự Nga xuất khẩu theo các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự với nước khác cũng không được lắp đặt IFF của Nga".

Việc không thể giao các bảo vật của mình vào tay người khác khiến Nga dù có chuyển giao S-300 và hệ thống điều khiển chiến đấu tự động cho Syria thì chỉ là trên danh nghĩa, còn thực chất Nga mới là bên vận hành thực sự không chỉ S-300 tại Syria mà cả lưới lửa phòng không Syria.

Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến Không quân Israel chưa một lần bén mảng vào không phận Syria (dù nhiều lần tuyên bố sẽ nối lại các hoạt động tấn công trong lãnh thổ Syria) sau khi xảy ra vụ bắn hạ chiếc trinh sát cơ Il-20 của Nga hôm 17/9.

Dù nhận định trên rất có thể sẽ diễn ra nhưng hiện vẫn chưa khẳng định, bên nào thực sự vận hành nếu S-300 được Nga chuyển giao cho Syria, chuyên gia quân sự của Mỹ là Matthew Bodner đã khuyên Israel nên có sẵn kịch bản phá hủy S-300 ngay từ khi chúng chưa được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Chuyên gia Matthew Bodner nhấn mạnh: "Nếu S-300 đi vào hoạt động, Israel sẽ buộc phải gia tăng mức độ phòng vệ cho các đòn tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, mọi việc đều sẽ không dễ dàng với Tel Aviv dù sử dụng vũ khí tấn công tối tân nào đi chăng nữa".

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/cach-dieu-khien-bat-ngo-de-s-300-phong-toa-troi-syria-3366224/