Cách đánh vần lạ trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1

Theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1, các chữ 'k', 'qu', 'c' đều đọc là 'cờ'. Nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lo lắng vì không biết dạy thế nào cho đúng.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Cách đánh vần này được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là Tiếng Việt lớp 1 (gọi là bộ sách hiện hành).

Những điểm khác biệt so với cách học cũ

Trong Công nghệ Giáo dục, học sinh cần phân biệt rõ âm và chữ. Âm là vật thật, âm thanh. Chữ là vật thay thế, dùng để ghi lại, cố định lại âm. Theo đó, không phải lúc nào cũng có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ.

Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...). Tuy nhiên, theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau.

Âm và chữ trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1.

Âm và chữ trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1.

Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h.

Có những trường hợp một âm không phải chỉ được ghi lại bằng một chữ mà có thể là 2, 3, 4 chữ, do đó, cần có căn cứ luật chính tả. Ví dụ : Âm /ngờ/ được ghi bằng 2 chữ: ng và ngh (ngờ kép).

Âm /cờ/ được ghi bằng 3 chữ: c (cờ), k (ca) và q (cu).

Âm /ia/ được ghi bằng 4 chữ: iê, ia, yê, ya

Về phát âm, theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1, đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ.

Ví dụ : ca: /cờ/ - /a/ - ca/

ke: /cờ/ - /e/ - /ke/

quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/

Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo luật chính tả : Âm /cờ/ đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u.

Đánh vần theo cơ chế 2 bước:

Bước 1: Đánh vần tiếng thanh ngang (khi đánh vần tiếng thanh ngang, tách ra phần đầu / phần vần).

Ví dụ: ba : /bờ/ - /a/ - /ba/

Bước 2: Đánh vần tiếng có thanh (khi đánh vần tiếng có thanh khác thanh ngang: Tạm thời tách thanh ra, để lại thanh ngang). Ví dụ: bà: /ba/ - huyền - /bà/. Học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.

Cách viết chữ nguyên âm đôi cũng gây tranh luận. Ảnh: Q.Q.

Không phải lần đầu gây tranh luận

Năm 1986, bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời. Từ năm học 2013-2014, bộ sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào các trường tiểu học. Đến nay, gần 50 tỉnh, thành phố sử dụng. Tuy nhiên, cứ đến dịp đầu năm học, phụ huynh, giáo viên lại băn khoăn về câu chuyện thay đổi trong cuốn sách này.

Chị Thùy Trang - giáo viên tiểu học tại Hải Dương - cho biết tại trường chị dạy, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đã được triển khai 3 năm. Lúc triển khai, nhiều giáo viên, phụ huynh “kêu như vạc” nhưng vẫn phải thực hiện theo sự lựa chọn của ngành giáo dục tỉnh.

Theo chị Trang, với cuốn sách này, sự thay đổi lớn nhất ở lớp 1. Lên các lớp trên, chính tả một số bài về âm, vần cũng có liên quan. Vì vậy, để học theo chương trình, cả giáo viên và phụ huynh đều cần thay đổi, nếu dạy theo cách cũ sẽ khiến học sinh… bối rối.

Tuy nhiên, Lê Liên - một giáo viên tại Ninh Bình - cho rằng với sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, học sinh được học luật chính tả, viết đúng hơn kiểu truyền thống. Nếu như cách học cũ học sinh lớp 3 vẫn sai nhiều thì theo chương trình này, các em viết đúng ngay từ đầu. Cách học của cuốn sách này phù hợp vùng nông thôn và vùng cao, tránh tái mù chữ.

Chị Liên khuyên phụ huynh không nên nhìn vào sự "khác biệt" ban đầu mà cho rằng chương trình học khó hay không phù hợp.

Cô giáo hướng dẫn cách đánh vần lạ Clip lan truyền trên mạng được cho là hình ảnh của giáo viên đang hướng dẫn cách đánh vần kiểu mới.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cach-danh-van-la-trong-sach-tieng-viet-cong-nghe-giao-duc-lop-1-post871945.html