Cách đánh của Mỹ khiến S-400 đối diện nguy cơ... bị loại biên sớm

Việc hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Nga triển khai trên đất Syria im lặng từ đầu cuộc chiến đến giờ nhiều khả năng là do nó bất lực trước đối phương chứ không phải án binh bất động để quan sát như những gì Moskva vẫn tuyên bố.

Trong tác chiến tập kích đường không hiện đại có hai hình thức phổ biến nhất, đầu tiên là sử dụng tên lửa đạn đạo, đánh chặn vũ khí này với hiệu quả cao sẽ yêu cầu những hệ thống đơn nhiệm như THAAD hay PAC 3.

Hình thức tiếp theo là tung đòn tập kích bằng tên lửa hành trình bay thấp, chống lại vũ khí này thì ngược lại với tên lửa đạn đạo, đòi hỏi các hệ thống tên lửa - pháo phòng không chuyên đánh ở độ cao thấp và cực thấp.

Cách đánh cổ điển như sử dụng máy bay tiêm kích hay máy bay ném bom thông thường áp sát mục tiêu rồi mới cắt bom dự báo sẽ không tồn tại trong tương lai nữa, nhất là khi phải đối đầu đối phương hùng mạnh.

Nếu như vậy thì những hệ thống phòng không đa nhiệm được thiết kế cho nhiệm vụ chính là chống máy bay và có thêm chức năng hạn chế chống tên lửa đạn đạo và hành trình như S-400 sẽ ngày càng bị mờ nhạt.

S-400 mặc dù được quảng cáo là có khả năng ngăn chặn mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình, nhưng thực tế lại cho thấy năng lực này của nó kém xa các hệ thống chuyên dụng như Pantsir-S1 hay Tor-M1.

Trong khi đó xét về năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, S-400 cũng không được đánh giá cao như THAAD hay PAC 3 vì nó phải ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ.

Đạn S-400 có độ cơ động cao, vận tốc lớn, thích hợp để bám theo mục tiêu có tốc độ chậm hơn nó (như máy bay) ở các dải độ cao khác nhau, nhưng độ chính xác lại không bằng THAAD, thể hiện qua việc nó phải dựa vào đầu đạn nổ phá mảnh nặng hàng tạ để bắn rơi phương tiện bay của kẻ địch.

Mặc dù các loại đạn trang bị cho S-400 có khả năng vận động tốt hơn THAAD rất nhiều, nhưng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa thì đài radar dẫn bắn vẫn yêu cầu phải tính toán được đường bay dự kiến của mục tiêu để đưa đạn 48N6E3 hay 40N6 tới cự ly thật sát.

Đáng tiếc rằng khả năng này của đài 91N6, 92N2 hay 96L6 thuộc S-400 không đủ tinh vi như AN/TPY-2 trang bị cho THAAD.

Độ sai lệch mặc dù không quá lớn nhưng như đã nói ở trên, đối phó với mục tiêu có tốc độ quá nhanh (lên tới 5 - 6 km/s) mà không ngoại suy và dẫn tên lửa đánh chặn lên “chặn đầu” thì gần như cầm chắc thất bại, vì tên lửa đánh chặn có ngoặt nhanh đến mấy cũng không kịp.

Như vậy có thể dễ nhận thấy rằng bỏ qua những lời quảng cáo trên mây, S-400 đang chứng tỏ nó là một tổ hợp tên lửa phòng không "cao không tới mà thấp không xong".

Khi đã gặp hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và cả tên lửa hành trình, S-400 chỉ có thể trông cậy vào tính năng duy nhất là chống lại máy bay tiêm kích của đối phương.

Nhưng liệu có kẻ thù nào ngây thơ tới mức biết khu vực đó có S-400 trấn giữ mà vẫn bay vào, hay là nó sẽ bay thấp xâm nhập trận địa hoặc phóng tên lửa hành trình tấn công từ ngoài tầm phòng không điểm?

Với những hạn chế như trên, có lẽ S-400 khó mà theo kịp các hình thức tác chiến trong tương lai ngắn chứ chưa nói là tương lai xa, viễn cảnh mà nó bị loại biên sớm đang hiện hữu hơn bao giờ hết

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/cach-danh-cua-my-khien-s400-doi-dien-nguy-co-bi-loai-bien-som/765856.antd