Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Bệnh tim bẩm sinh khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống do sức khỏe yếu, khả năng vận động thấp hơn với những trẻ cùng trang lứa.

Tim bẩm sinh là bệnh lý dị tật liên quan đến cấu trúc của tim, xuất hiện ngay từ những tuần đầu của bào thai trong giai đoạn tim đang hình thành. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến dị tật tim bẩm sinh thường là do phụ nữ khi mang thai bị Rubella, cúm, lạm dụng các chất kích thích, tiếp xúc với môi trường độc hại, uống một số loại thuốc tây,... Ngoài ra, có thể do yếu tố di truyền hoặc mẹ bầu bị đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ tim bẩm sinh ở con.

Không chỉ là dị tật thường gặp mà tim bẩm sinh còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Theo đó, khi bị tim bẩm sinh, trẻ thường có những dấu hiệu như: Tim đập nhanh, khó thở, khó thở khi gắng sức, bú kém, chậm tăng cân,...

Ngoài ra trẻ còn có biểu hiện phù ở chân, bụng hoặc quanh hốc mắt. Tuy nhiên, với kỹ thuật tiên tiến hiện nay đã giúp phát hiện nhanh chóng trẻ có khả năng bị tim bẩm sinh để kịp thời chữa trị.

Một số bệnh tim bẩm sinh gây triệu chứng tím da, niêm mạc, gốc móng tay. Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, mẹ bầu cần có kế hoạch thăm khám bác sĩ, nghỉ ngơi cùng chế độ dinh dưỡng khoa học để giảm nguy cơ bị tim bẩm sinh ở trẻ hiệu quả. Dưới đây sẽ là một số chia sẻ về cách chăm sóc cũng như phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Thông thường, các dị tật nói chung, bệnh tim bẩm sinh nói riêng đều xảy ra lúc trẻ còn trong bào thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu của thai kỳ. Do vậy, muốn phòng ngừa tim bẩm sinh thì mẹ bầu phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và nên tuân thủ những điều sau.

Cải thiện môi trường sống, tránh những nơi ô nhiễm, có chất độc hại, chất phóng xạ. Ngoài ra, nên hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi (khoảng 35 tuổi trở nên). Bên cạnh đó, mẹ cần được tư vấn di truyền trước khi mang thai đứa tiếp theo khi đã có 1 con bị tim bẩm sinh.

Không sử dụng các loại thuốc an thần, nội tiết tố và một số loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc hoặc sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...

Tiêm ngừa hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như: Rubela, quai bị, herpes, cytomegalovirus, coxsaskie B… trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đồng thời, mẹ bầu cần điều trị và theo dõi tình trạng cơ thể thường xuyên khi bị một số bệnh lý như: Đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa,...

Nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như: Đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa… thì cần được điều trị. Ảnh minh họa: Internet

Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Tuy dị tật bẩm sinh rất nguy hiểm nhưng nếu có cách chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách thì trẻ vẫn có thể sinh hoạt, học tập bình thường như những trẻ cùng trang lứa. Vì thế, bố mẹ nên lưu ý những điều dưới đây để chăm sóc trẻ được tốt nhất.

Giữ vệ sinh sạch sẽ và cho trẻ ăn uống điều độ và đủ chất.

Không cho trẻ vận động mạnh hay vui chơi quá nhiều, đồng thời tránh để trẻ gắng sức và làm công việc nặng nhọc.

Cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ để tránh bị nhiễm trùng, cần uống kháng sinh khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Tái khám đúng lịch và tuân thủ theo đúng cách điều trị của bác sĩ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật tim bẩm sinh vì khi lớn lên, trẻ có thể gặp một số vấn đề khác về sức khỏe.

Bảo Bình (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cach-cham-soc-va-phong-ngua-benh-tim-bam-sinh-o-tre-c21a298630.html