Cách chăm sóc trẻ trong thời tiết mùa đông

Kiểu thời tiết mùa đông như hiện nay gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ.

Miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh khiến nhiệt độ xuống rất thấp từ đầu mùa đông cho đến nay.

Trên Eva.vn, PV, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kiểu thời tiết như hiện nay gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng (Ảnh: Eva.vn).

Tôi lo ngại sẽ không ít trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 5 tuổi phải vào viện vì các bệnh đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hay viêm phổi”, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Vì vậy, các bậc cha mẹ muốn con không bị bệnh cần chú ý những cách sau:

Cho con mặc càng ấm, nhưng không quá kín

Một sai lầm phổ biến của phụ huynh trong mùa đông đó là cho con mặc ấm, kín mít. Giữ ấm cơ thể là điều cần thiết để trẻ không ốm, nhưng trên thực tế, điều này có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết đột ngột. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi...

Mặc quá kín, quá nhiều lớp áo không hẳn là tốt cho trẻ (Ảnh: Internet).

Mặc kín quá, trẻ ra mồ hôi và việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm.

Không cho con ngồi trước xe máy

Nhiều ông bố bà mẹ đưa trẻ đến trường lại cho con ngồi trước xe máy. Điều này rất nguy hiểm vì dù trang bị kín trẻ vẫn có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản hay viêm phổi do gió lạnh.

Không nên để trẻ ngồi phía trước xe máy (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, việc trẻ ngồi trước còn hít phải khói, bụi gây các cơn hen phế quản, viêm mũi, đặc biệt ở những trẻ cơ địa dị ứng và có sức đề kháng kém. Bởi vậy, khi ra ngoài trời, cha mẹ nên để bé ngồi sau xe đeo đai an toàn.

Cho trẻ ra ngoài trời vận động hợp lý

Nhiều bố mẹ e ngại cho trẻ ra ngoài trời vào mùa đông. Tuy nhiên đó không phải là một cách hay bởi giữ trẻ ở trong phòng kín lâu ngày sẽ dễ khiến trẻ ốm vào mùa đông hơn.

Dù thời tiết lạnh, trẻ vẫn nên ra ngoài vận động (Ảnh: Internet).

Đối với trẻ sơ sinh, việc cho trẻ ra ngoài tắm nắng mùa đông rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Vào thời tiết ngày đông, thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài tắm nắng là vào khoảng 8h-9h sáng và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều từ 15h-17h. Khoảng thời gian từ giữa trưa đến 4h chiều tuyệt đối không nên cho bé ra nắng. Bởi lúc này tia cực tím trong ánh nắng mặt trời trở nên mạnh mẽ nhất, rất dễ gây tổn thương cho da.

Đối với các bé lớn tuổi hơn, các mẹ cần cho con ra ngoài nhằm giúp trẻ tiếp xúc với không khí và tham gia nhiều trò chơi vận động. Những trò chơi vận động ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh, hơn nữa còn tăng sức đề kháng và phòng tránh được nhiều bệnh vặt ở trẻ. Khi cho trẻ chơi ngoài trời, bố mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách, mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng.

Tắm cho trẻ nơi kín gió

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bạn cần chú ý tắm nước ấm cho trẻ và tắm ở nơi kín gió, tắm nhanh. Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ lúc trời trở lạnh là tắm từ dưới lên trên. Bạn rửa chân cho bé đầu tiên, sau đó tắm dần lên trên. Gội đầu thật nhanh cho bé sau khi tắm để tránh bé bị lạnh khi đang ướt.

Ảnh: Internet.

Ngoài ra có một bí quyết là bố mẹ nên tắm trước rồi mới đến trẻ vì khi bạn tắm sẽ làm hơi nước ấm vẫn còn đọng lại trong phòng, làm cho không khí phòng tắm ấm lên. Bạn cũng có thể cho một ít dầu tràm vào nước để trẻ tắm ấm hơn.

Ăn uống đủ chất

Trẻ nên được ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng sức đề kháng (Ảnh: Internet).

Để tăng sức đề kháng cho bé, các mẹ cần xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Một bữa ăn của con nên được bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua ; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen – 2 vị chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như : thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, lạc... Với trẻ sơ sinh nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Giữ môi trường trong lành và vệ sinh tay chân sạch sẽ

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trẻ bị bệnh. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày. Bạn cũng nên chủ động tiêm ngừa cho bé để hạn chế các bệnh theo mùa, bố mẹ nên chủ động tiêm phòng các bệnh cho bé như Rubella, cúm,... Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ cũng là cách để hạn chế những bệnh gây ra do virus, vi khuẩn.

Cần tạo cho trẻ thói quen vệ sinh tay chân sạch sẽ (Ảnh: Internet).

Không phải cứ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì mới có khả năng mắc bệnh, vi khuẩn tồn tại ngay ở những vật trung gian như khăn, cốc, đồ chơi, điện thoại,... Vì vậy, cha mẹ cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là sau khi đi học, đi chơi về. Bạn cần hướng dẫn bé cách rửa tay để đảm bảo bàn tay được sạch sẽ và luyện cho bé không mút tay, không cho đồ chơi vào miệng.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cach-cham-soc-tre-trong-thoi-tiet-mua-dong-d113416.html